Là doanh nghiệp trồng và chế biến mủ cao su, nhờ chuyển đổi đất sang làm khu công nghiệp, Công ty CP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) đã đạt được một số kết quả tích cực.
Có thể thấy trong giai đoạn gần đây khi làn sóng đầu tư FDI vào Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, dẫn đến nhu cầu về các khu công nghiệp (KCN) là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh với TP.HCM như Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai... PHR là doanh nghiệp trồng cây cao su nên sở hữu quỹ đất rất lớn tập trung ở tỉnh Bình Dương. Khi lợi nhuận từ cây cao su không còn nhiều, thì việc tận dụng quỹ đất để làm KCN với lợi nhuận cao là xu hướng tất yếu. Vì vậy, trong giai đoạn vừa qua khi chuyển 1 phần đất trồng cây cao su sang làm KCN, lợi nhuận của PHR đến từ 3 nguồn gồm: kinh doanh cao su tự nhiên, cho thuê KCN, đầu tư vốn vào các công ty khác làm KCN như Nam Tân Uyên và nhận tiền đền bù do bị thu hồi đất làm KCN.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của PHR đạt 495 tỷ đồng, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó doanh thu từ cao su tự nhiên giảm 22,4%, doanh thu từ cho thuê KCN tăng 52% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 145 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ 2019. Điều đó cho thấy rằng lợi nhuận thu được từ làm KCN ngày càng quan trọng đối với PHR.
Cũng theo báo cáo tài chính này, PHR vẫn còn khoản doanh thu chưa thực hiện là 1.529 tỷ đồng, đây là phần doanh thu cho thuê KCN Tân Bình, sẽ được phân bổ để ghi nhận vào kết quả kinh doanh các năm tiếp theo. Vì vậy trong giai đoạn tới, doanh thu và lợi nhuận của PHR sẽ được đảm bảo phần nào. Trong dài hạn, đây sẽ là nguồn thu chính của PHR.
Nguồn thu thứ 2 từ việc liên doanh liên kết làm KCN, cụ thể là KCN Nam Tân Uyên, cũng đang mang đến cho PHR dòng tiền đều đặn. Với việc nắm giữ 32,85% cổ phần của Công ty CP KCN Nam Tân Uyên, trong nửa đầu năm 2020 PHR ghi nhận lãi 46 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2019 và chiếm 23,2% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.
Cuối cùng là khoản thu có tính chất bất thường, trong kỳ PHR có khoản thu nhập khác là 484 tỷ đồng, bằng 2,44 lần lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Đó là khoản tiền đền bù do bị thu hồi đất để triển khai dự án KCN Nam Tân Uyên mở rộng. Do nhận được khoản đền bù lớn nên 6 tháng đầu năm 2020 PHR đạt lợi nhuận sau thuế là 555 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ 2019. Dựa trên thuyết minh báo cáo tài chính của PHR, tổng số tiền đền bù cho dự án này là 864 tỷ đồng, trong đó tính đến ngày 30/6/2020 PHR đã nhận được 465 tỷ đồng. Số tiền khoảng 400 tỷ đồng còn lại sẽ được nhận trong thời gian tới.
Ngoài tiền đền bù từ dự án Nam Tân Uyên mở rộng, PHR còn chuẩn bị nhận được 1 khoản tiền đền bù tương tự là 898 tỷ đồng do thu hồi đất nông trường cao su Hội Nghĩa để triển khai KCN VSIP III. Hiện tại phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được Trung tâm phát triển quỹ đất trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định và đang chờ được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.
Do nhận được những khoản đền bù thu hồi đất và người thuê trả trước, PHR nằm trong số các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt rất lớn, chiếm 27,4% tổng tài sản. Lượng tiền mặt đó thường xuyên mang lại cho PHR doanh thu tài chính tương đối lớn, cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận 59 tỷ đồng, bằng 29,8% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh.
Thống kê kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn gần đây cho thấy, PHR không còn là doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên khi lợi nhuận của hoạt động này chỉ còn đóng góp tỷ lệ khoảng 5-6% tổng lợi nhuận. Phần lớn doanh thu và lợi nhuận của PHR đến từ hoạt động chuyển đổi đất trồng cây cao su sang làm KCN. Vì vậy có thể xếp PHR vào nhóm ngành bất động sản KCN. Tuy nhiên quỹ đất để phục vụ BĐS KCN không phải là nguồn vô tận nên sau một giai đoạn chuyển đổi nó sẽ hết. Khi đó, khả năng tạo đột biến về lợi nhuận sẽ không còn. Nhưng với nền tảng tài chính vững mạnh, sở hữu nhiều quỹ đất có thể triển khai làm KCN nên trong giai đoạn 1-3 năm tới PHR vẫn còn nhiều sức hút với các nhà đầu tư.
Sau giai đoạn đầu năm 2020 đi xuống tạo đáy kép quanh vùng giá 33.000 đ/cp, cổ phiếu PHR đã có sóng tăng giá mạnh 75% để lên vùng giá gần 60.000 đ/cp. Đây là đỉnh kháng cự mà PHR đã chinh phục thất bại trong sóng hồi của giai đoạn cuối năm 2019. Cũng giống như hầu hết các doanh nghiệp trong ngành BĐS KCN, sau 1 sóng tăng giá mạnh, giá cổ phiếu PHR đã trải qua hơn 1 tháng tích lũy đi ngang dưới vùng đỉnh kháng cự này. Trong sóng sideway này, PHR đã có phiên kiểm tra đỉnh thất bại vào ngày 15/09/2020. Rõ ràng đây sẽ vùng kháng cự mạnh mà khả năng vượt qua trong ngắn hạn là không cao.
Có thể bạn quan tâm