Huyện Phú Lương đang phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2024, sớm hơn 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
>>> Huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tăng tốc về đích Nông thôn mới năm 2024
Đó là chia sẻ ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương. Ông cho biết, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện Phú Lương đã cùng đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đề ra, xây dựng huyện Phú Lương ngày càng đổi mới về mọi mặt, là tiền đề quan trọng để Phú Lương quyết tâm xây dựng đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2024 về đích" đúng hẹn.
Trong năm 2024, Huyện ủy Phú Lương tiếp tục xác định lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch, công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và huyện, giai đoạn 2021 - 2025; nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Đề án xây dựng NTM huyện Phú Lương giai đoạn 2022 - 2025. Bám sát Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về xây dựng và phát triển huyện Phú Lương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đặc biệt, Huyện uỷ Phú Lương đã thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2024, định kỳ hằng tháng họp để đánh giá tiến độ và triển khai thực hiện nhiệm vụ. Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đến thời điểm này, Phú Lương đã có 13/13 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. Toàn huyện có 40 xóm đạt chuẩn xóm NTM kiểu mẫu, 03 xóm NTM thông minh; có 28 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên; xã Tức Tranh tiếp tục xây dựng NTM thông minh. Thu nhập bình quân ước toàn huyện đạt trên 52 triệu đồng/người/năm, cao gấp đôi so với thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện NTM (năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo còn 2,68%; cơ sở hạ tầng từng bước được xây dựng theo hướng đồng bộ; diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững.
Phú Lương xây dựng NTM: Nâng cao đời sống cho người dân là cốt lõi
Ông Nguyễn Quốc Hữu, Bí thư Huyện ủy Phú Lương nhấn mạnh: Phú Lương xác định 4 quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM, là: Tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng phát triển các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; xây dựng môi trường nông thôn quang đãng, sạch đẹp, thay đổi kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng ngày càng hữu dụng; lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, lan tỏa, kết nối sự đoàn kết, phát huy các giá trị văn hóa là động lực của sự phát triển và NTM không phải lấy thành tích, mà tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Tất cả đều hướng tới chủ thể cốt lõi là người dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn.
Tính đến tháng 6/2024, huyện Phú Lương đã đạt 5/6 điều kiện, 27/36 chỉ tiêu huyện NTM tăng 04 chỉ tiêu so với năm 2023. Về kết quả xây dựng đô thị văn minh, Thị trấn Đu đã đạt 50/52 chỉ tiêu; Thị trấn Giang Tiên đạt 46/52 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, Uỷ ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội của huyện đã tích cực tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân hưởng ứng tham gia xây dựng huyện NTM.
Trong quá trình triển khai thực hiện, huyện luôn đúc kết kinh nghiệm, giải pháp triển khai, từ kiến nghị của người dân, từ thực tiễn sản xuất, đời sống để tổng kết thành chủ trương, giải pháp và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đảm bảo đúng, trúng tâm tư nguyện vọng của người dân và xây dựng NTM vì nhân dân.
Để nâng cao đời sống cho người dân, huyện đã lồng ghép, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Xác định nông nghiệp là một trụ đỡ phát triển, Phú Lương tập trung phát triển cây trồng thế mạnh là chè, với các vùng sản xuất tập trung tại Tức Tranh, Vô Tranh, Yên Lạc, Phú Đô. Hiện, diện tích chè của toàn huyện là trên 4.100 ha, trong đó diện tích được cấp chứng nhận VietGAP đạt 1.127 ha. Giá trị kinh tế của cây chè mang lại trong năm 2023 là gần 1.300 tỷ đồng; doanh thu bình quân ước đạt 310 - 330 triệu đồng/ha. Để đạt được kết quả này, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn của huyện đã quan tâm hỗ trợ người dân máy móc, hệ thống tưới phun tự động, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để sản xuất theo hướng hữu cơ.
Cùng với đó là duy trì và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Lương” và nhãn hiệu tập thể “Chè Tức Tranh”, “Chè Vô Tranh”; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến chè tham gia các hoạt động quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện Đề án về phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm chè và các sản phẩm thế mạnh của huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay địa phương đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với cây chè, Phú Lương cũng xác định các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, chủ lực khác. Phú Lương có đặc sản gạo nếp vải nổi tiếng. Đây là nguôn liệu để tạo lên thương hiệu làng nghề bánh chưng Bờ Đậu nổi tiếng cả nước. Huyện phấn đấu năm 2024 sẽ có sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
>>> Thái Nguyên quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI
>>> Phú Lương (Thái Nguyên) lấy công nghiệp làm động lực tăng trưởng
Nông thôn mới tạo đột phá cho huyện phát triển
Vừa qua, ngày 28/6/2024, Tổ công tác của Ban kinh tế Trung ương do ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Tổ trưởng đã đến khảo sát, nắm tình hình xây dựng NTM tại xã Yên Trạch, huyện Phú Lương.
Là xã miền núi xa nhất huyện, sau 13 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, đến nay diện mạo xã ngày một khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, xã đã về đích xã NTM năm 2023.
Bí thư Huyện ủy Phú Lương đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình MTQG. Đồng thời có những kiến nghị với đoàn nhiều nội dung với mục tiêu để cho các đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng các chính sách được thuận lợi, hiệu quả góp phần phát triển kinh tế, tăng sinh kế, thu nhập, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Người dân chung tay xây dựng Nông thôn mới
Bí thư Huyện ủy chia sẻ, trong quá trình xây dựng NTM, trên địa bàn huyện đã xuất hiện những mô hình mới, cách làm hay, những tấm gương tiên phong tiêu biểu. Điển hình như phong trào nhân dân hiến đất làm đường tại các xã Phấn Mễ, Phủ Lý, Hợp Thành để triển khai làm 3 tuyến đường huyện NTM Đu - Khe Mát, tuyến đường Gốc Bàng – Làng Hin, tuyến đường ATK Phủ Lý - Hợp Thành.
Hay tại xã Phú Đô là địa bàn vùng dân tộc thiểu số, kinh tế tương đối khó khăn nhưng nhân dân rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền. Khi chỉ đạo phong trào hiến đất, người đứng đầu thôn đều là người tiên phong hiến đất, hiến nhiều hơn so với người dân khác. Từ đó tạo ra hiệu ứng dây chuyền trong nhân dân.
Tại xã Tức Tranh, khi làm tuyến đường nhân dân phải hiến đất, tôi trực tiếp vào vận động. Nhà Bí thư Chi bộ xóm Gốc Gạo có cổng và tường rào làm rất đẹp, tường hoa, sân gạch, cây cảnh…, Nhưng Bí thư Chi bộ xóm nói: “Tôi là Bí thư Chi bộ, nếu không dỡ hàng rào nhà tôi thì tôi nói sẽ không ai nghe. Vì vậy phải dỡ hàng rào nhà tôi đầu tiên để nhân dân chứng kiến”. Từ những tấm gương như thế, đã tạo nên bức tranh NTM ở Phú Lương thành công như hôm nay.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện đã ra mắt 04 mô hình Tuyến xóm/phố văn minh không rác tại các xã Cổ Lũng, Yên Lạc, thị trấn Đu, thị trấn Giang Tiên; 02 mô hình Tổ tự quản phân loại rác thải tại xã Ôn Lương; xây dựng 01 tuyến đường cờ “Tôi yêu Tổ Quốc” dài 700m tại xóm Cộng Hoà xã Động Đạt; 01 Tuyến xóm Kinh doanh không dùng tiền mặt tại xóm Bình Long xã Vô Tranh; tiếp tục nhân rộng mô hình “Ngôi nhà 3 sạch NTM tại xóm Phú Nam 7 xã Phú Đô… Hội Nông dân huyện đã phối hợp hỗ trợ xây dựng 03 nhà ở cho hội viên nghèo tại xã Hợp Thành, Yên Lạc, Yên Ninh; phối hợp hỗ trợ 600 cây vàng Anh, 300 cây cau, 300 cây hoa dâm bụt trồng tuyến đường huyện đoạn đường xóm Đồng Danh xã Tức Tranh, xóm Trung Thành 2 xã Vô Tranh, xóm Thượng, xóm Hạ xã Yên Đổ và hỗ trợ xây dựng 01 tuyến đường điện thắp sáng dài 1,8km trên đoạn đường Đồng Danh - Cầu Bình xã Vô Tranh. Huyện đoàn tổ chức ngày “Chủ nhật xanh” thu hút trên 300 đoàn viên, thanh niên tham gia với các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, dọn dẹp chỉnh trang nghĩa trang liệt sỹ tại các xã, thị trấn, trồng hoa, cây xanh; xây dựng 02 tuyến đường tự quản “Sáng - xanh - sạch - đẹp” với chiều dài 400m tại xã Ôn Lương và thị trấn Giang Tiên.
Những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua là động lực to lớn, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh và quyết tâm để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn huyện thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Lương lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng huyện Phú Lương đạt chuẩn NTM trong năm 2024.
Có thể bạn quan tâm
Khám phá hệ tiện ích “xứng tầm thượng lưu” tại KĐT Sun River Thái Nguyên
15:27, 04/07/2024
Thái Nguyên: Đối thoại trực tiếp - Sợi dây gắn kết chính quyền và người lao động
14:51, 23/06/2024
Tỉnh Thái Nguyên: hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đã đề ra
13:26, 16/06/2024
Thái Nguyên: Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới
11:36, 14/06/2024
Thái Nguyên: Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vững mạnh
07:20, 14/06/2024
Thái Nguyên tiên phong trong chuyển đổi số
07:57, 10/06/2024