Trong hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy phẩm chất cao đẹp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt các nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nữ Anh hùng Lao động, nữ tướng và tại Lễ kỷ niệm 40 năm Giải thưởng Kovalevskaia, diễn ra sáng 8/3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Giải thưởng Kovalevskaia là Giải thưởng cao quý mang tên nhà nữ toán học Nga lỗi lạc thế kỷ XIX - Sophia Kovalevskaia (1850-1891). Giải thưởng năm 2024 được trao cho 2 cá nhân: PGS.TS Nguyễn Minh Tân - Giám đốc Viện Nghiên cứu và phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên, giảng viên Khoa Kỹ thuật hoá học, Trường Hoá và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS.TS Đặng Thị Mỹ Dung - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Nano, Đại học Quốc gia TPHCM.
Trong 40 năm qua, Giải thưởng đã được trao cho 22 tập thể và 57 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên của Việt Nam. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan thường trực, tham mưu cho Ủy ban Giải thưởng.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam luôn kiên cường, bất khuất, đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Thủ tướng nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Dân tộc Việt Nam ta là dân tộc anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng", khẳng định những phẩm chất cao quý "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" đã được hun đúc qua từng giai đoạn lịch sử.
Thủ tướng dẫn chứng từ tinh thần yêu nước kiên cường của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, đến sự hy sinh quên mình của các nữ chiến sĩ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định; từ sự cống hiến của các Mẹ Việt Nam Anh hùng đến những nữ Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới như Cù Thị Hậu, Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi), Huỳnh Thị Phương Liên...
Đồng thời khẳng định, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, phụ nữ Việt Nam luôn khẳng định vai trò và vị thế của mình. Họ là lực lượng lao động quan trọng trong nền kinh tế, với tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm khoảng 20%, đồng thời đóng góp đáng kể vào các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, khoa học công nghệ và đối ngoại.
Theo thống kê, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đạt trên 30%, thuộc nhóm cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu về tỉ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Trong khoa học công nghệ, số lượng nữ Giáo sư, Phó Giáo sư ngày càng gia tăng, chiếm 21,5% trong tổng số được công nhận từ năm 2019 đến 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đánh dấu nhiều sự kiện lớn của đất nước, đồng thời là năm bản lề để “tăng tốc, bứt phá, về đích” trong việc thực hiện thành công Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Đây cũng là thời điểm đất nước tập trung thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, góp phần “tạo thế, tạo lực, tạo đà” cho giai đoạn phát triển mới.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã đề xuất, Trung ương đã có Kết luận, và Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng mang ý nghĩa chiến lược, góp phần hiện thực hóa hai mục tiêu phát triển 100 năm của đất nước. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của phụ nữ, những người sẽ tiếp tục đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần vừa khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa các phong trào của phụ nữ, phát huy hơn nữa vai trò, các phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy vai trò, phẩm chất đó và hưởng thụ thành quả đạt được, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ như bình đẳng giới, tiến bộ, công bằng, phát triển bền vững, bao trùm.
Thủ tướng đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò đại diện của các tầng lớp phụ nữ trong tham mưu các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ Việt Nam nói chung, các nhà nghiên cứu khoa học nữ nói riêng tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, sự cống hiến vì sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ; để phụ nữ tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả trong thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng cũng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương ưu tiên dành nguồn lực, có cơ chế chính sách, cơ chế đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Trong đó dành sự quan tâm đặc biệt đến lực lượng phụ nữ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, nhân văn, phụ nữ đang công tác, làm việc tại các vùng khó khăn, miền núi, hải đảo trong kỷ nguyên số của đất nước.
Cùng với đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phụ nữ tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất và đời sống một cách bình đẳng, chủ động, tích cực, đặc biệt trong nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Đồng thời, chủ động, tích cực hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên các lĩnh vực, nhất là về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Với sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội, tin rằng phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, trí tuệ và bản lĩnh, góp phần đưa đất nước vươn xa trong thời kỳ mới.