Để phục hồi được kinh tế, cần phải có các gói kích cầu đủ mạnh, có sự hỗ trợ hiệu quả về tín dụng, tài chính để duy trì lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây là kiến nghị của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội, công tác phòng chống dịch tại kỳ họp thứ 2 khóa XV.
Nội dung này cũng là một trong những vấn đề quan trọng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư bao gồm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển...
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) đề nghị quan tâm duy trì phù hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh, hạn chế thấp nhất đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động.
Trong phát triển kinh tế, phải chú trọng phát huy thế mạnh của nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay - một ngành được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, góp phần lớn trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có các chính sách hiệu quả trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tăng cường các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho nhu cầu việc làm của các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) và một số ý kiến nhận định, thời gian tới, bên cạnh thuận lợi, nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiệm vụ ưu tiên lúc này là tập trung cao nhất cho phòng, chống dịch COVID-19.
Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản, kế hoạch cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và từng bước khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.
Trong phát triển kinh tế-xã hội cần hết sức quan tâm điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường. Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19. Bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá thông suốt, khơi thông mọi nguồn lực, sức sáng tạo cho công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Khi chúng ta đã thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch bệnh, nhưng dòng người lao động di chuyển tự phát bằng các phương tiện cá nhân từ nhiều thành phố lớn, những điểm nóng về dịch bệnh vẫn đang diễn ra.
Điều này có thể làm phát sinh dịch bệnh, khiến dịch bệnh trở nên phức tạp hơn, khi mà các địa phương đến của người lao động tỉ lệ bao phủ vaccine còn thấp. Do đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) đề nghị các cấp, các ngành, địa phương hết sức lưu ý vấn đề này để bảo đảm nhu cầu đi lại chính đáng của người dân, người lao động được an toàn gắn liền với kiểm soát tốt dịch bệnh.
Nhấn mạnh đại dịch đã làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, doanh nghiệp và đến nay chưa có số liệu thống kê chính xác... đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên), đại biểu Nguyễn Vân Chi (Nghệ An) cho rằng, nhiệm vụ phục hồi kinh tế hiện nay đặt ra nhiều vấn đề cấp bách.
Để phục hồi được kinh tế, cần phải có các gói kích cầu đủ mạnh, có sự hỗ trợ hiệu quả về tín dụng, tài chính để duy trì lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn liền với các chính sách giảm, miễn, hoãn, giãn thuế đối với doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh; đưa ra những chính sách tổng thể, toàn diện hơn về thuế trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
“Nhiều chủ trương, giữa chính sách được ban hành và thực hiện trên thực tế bao giờ cũng có độ vênh, khoảng cách khá lớn, độ trễ dài, các điều kiện đặt ra thì rất khó khăn, ngặt nghèo… Đây là những tồn tại rất lớn cần phải quan tâm khắc phục trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để phục hồi kinh tế, bảo đảm đời sống nhân dân”, đại biểu Hoàng Anh Công nêu vấn đề.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng, từ bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục có sự đổi mới tư duy, nhận thức phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát, phòng, chống hiệu quả hơn về dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tận dụng được tối đa các cơ hội... thông qua các phương án, kịch bản phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất kinh tế-xã hội của nước trong tình hình mới.
Có thể bạn quan tâm
16:25, 04/11/2021
10:48, 04/11/2021
00:00, 04/11/2021
18:55, 23/10/2021
20:55, 22/10/2021
12:38, 22/10/2021
22:20, 21/10/2021
16:34, 20/10/2021