Lãnh đạo 2 địa phương đề xuất nhiều phương án phát triển mới nếu trong thời gian tới Quảng Nam và Đà Nẵng thực hiện sáp nhập.
Chiều 29/3, tại Đà Nẵng, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ tỉnh Quảng Nam. Qua đây lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đề xuất, kiến nghị của hai địa phương để sau khi Trung ương có quyết định chính thức về việc sáp nhập.
Theo ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, địa phương đã chủ động, nỗ lực tham mưu và được Trung ương quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội tạo nền tảng, tạo đồng lực cho sự phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể, GRDP giai đoạn 2012-2025 ước tăng 6,8%/năm, dự kiến quý I/2025 tăng trưởng trên 11%. Trong năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%.
Đối với việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, Đà Nẵng đã nghiêm túc thực hiện, đã báo cáo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính phường, xã, không tổ chức chính quyền cấp huyện. Trong đó, dự kiến Đà Nẵng có 12 phường, xã và 1 đặc khu (Hoàng Sa), giảm 75% đầu mối.
Đối với vấn đề sáp nhập tỉnh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị thành phố sau sáp nhập được tiếp tục kế thừa toàn bộ định hướng phát triển theo Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 136/2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Cùng với đó là các quy hoạch được phê duyệt giữa hai địa phương tiếp tục được thực hiện và vừa làm, vừa điều chỉnh phù hợp với định hướng, quy mô mới.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho hay giai đoạn 2020 - 2025, GRDP (giá so sánh 2010) của Quảng Nam tăng trưởng bình quân khoảng 4,6%/năm, tổng thu ngân sách nhà nước tỉnh hơn 134 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 2,0%/năm. Trong đó thu nội địa tăng khoảng 2,8%/năm, quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) năm 2025 ước tính đạt hơn 147 nghìn tỷ đồng, tăng 48,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2020.
Về phía Quảng Nam, ông Triết kiến nghị Trung ương cho phép xây dựng Đề án phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai trong giai đoạn mới có phạm vi diện tích mở rộng đến bờ Nam sông Thu Bồn (bao gồm hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay Chu Lai kết hợp với cảng biển Chu Lai). Đồng thời, Quảng Nam được tiên phong, thử nghiệm các cơ chế đột phá, vượt trội để đảm bảo thu hút các nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài có thương hiệu mạnh vào phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, du lịch, dịch vụ, vui chơi giải trí, đô thị sinh thái biển, các dự án nông nghiệp công nghệ cao,...
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị sđược áp dụng chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án theo cơ chế tương tự NQ136/2024/QH15 đang áp dụng cho thành phố Đà Nẵng. Về phát triển không gian đô thị sau khi sáp nhập, Quảng Nam đề xuất chủ trương đầu tư một khu đô thị mới thông minh, hiện đại với tổng diện tích khoảng 15.000 ha, thuộc vùng Đông huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, là đô thị trọng điểm của khu vực.
Cùng với đó là thống nhất chủ trương cho đầu tư tuyến đường sắt đô thị từ thành phố Đà Nẵng vào Hội An, Thăng Bình, Tam Kỳ, Chu Lai để tạo điều kiện kết nối phát triển khu vực phía nam của tỉnh Quảng Nam.
Kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện là định hướng lớn, mang tầm chiến lược của Trung ương, là bước đột phá về thể chế để chuẩn bị cho tầm nhìn 100 năm phát triển đất nước. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh mọi cải cách thể chế đều vì lợi ích thiết thực, lâu dài của nhân dân, vì sự phát triển của đất nước.
Theo Tổng bí thư, Quảng Nam và Đà Nẵng đều đang tồn tại những vấn đề. Với Đà Nẵng, địa phương này đang đứng trước thách thức với nền kinh tế quy mô nhỏ, GRDP của Đà Năng chỉ chiếm 1,5% GDP của cả nước. Cùng với đó, Đà Nẵng vẫn chưa có nhiều tập đoàn lớn đầu tư, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được chú trọng nhưng chưa tạo thành động lực phát triển.
Với Quảng Nam, địa phương với 6 huyện miền núi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hạ tầng còn nhiều tồn tại. Đồng thời, chất lượng đội ngũ cán bộ còn hạn chế, nhất là vùng miền núi, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều,....
Từ đây, Tổng Bí thư nêu một số gợi ý, định hướng xây dựng Đà Nẵng-Quảng Nam mới bảo đảm trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam. Có thể thời gian tới, đây sẽ là một trong những thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tổng Bí thư nhận định: Một Đà Nẵng-Quảng Nam mới cần định vị không chỉ là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung, mà còn thể hiện vai trò tiên phong trong quá trình phát triển hiện đại.
Vì vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Quảng Nam và Đà Nẵng đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế theo hướng nâng cao năng suất lao động, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, Khu thương mại tự do, khu đô thị hiện đại, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao,... Ngoài ra, cần chú vào phát triển công nghiệp, logistics Chu Lai, Trung tâm du lịch văn hóa Hội An, Mỹ Sơn, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,...
Đặc biệt, cần tập trung triển khai xây dựng Đà Nẵng-Quảng Nam mới trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và khởi nghiệp quốc gia; triển khai ngay mô hình chính quyền số, đô thị thông minh, nền hành chính hiện đại,... Song song là thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, nguồn lực đất đai,…
Tổng Bí thư cũng khẳng định Đà Nẵng và Quảng Nam mới sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục kế thừa các định hướng phát triển, các cơ chế, chính sách đặc thù của Đà Nẵng. Từ đây, Tổng Bí thư đề nghị các cơ quan Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để Đà Nẵng-Quảng Nam mới thực hiện tốt các chủ trương lớn của Đảng, nhất là những đề xuất có tính đột phá về cơ chế tài chính, về quy hoạch, tổ chức bộ máy, thử nghiệm các lĩnh vực mới nhằm tạo động lực phát triển cho Đà Nẵng-Quảng Nam mới và cho cả khu vực miền Trung đất nước.