Cổ phiếu của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) đã thu hút được khá nhiều dòng vốn ngoại trong phiên giao dịch hôm qua (18/12).
Trên sàn HoSE, khối ngoại đã mua vào khối lượng cổ phiếu trị giá hơn 907 tỷ đồng, tăng gần 50% so với phiên 17/12. Trong khi đó, khối này bán số lượng cổ phiếu trị giá gần 518 tỷ đồng, giảm gần 16% so với phiên trước đó. Như vậy, khối ngoại đã mua ròng số lượng cổ phiếu trị giá 389 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, PNJ đã được mua ròng mạnh nhất với gần 2,4 triệu đơn vị, trị giá 253 tỷ đồng. Trước đó PNJ đã kín room ngoại (49%), nhưng do phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động, nên doanh nghiệp này đã "hở" room ngoại.
Tuy nhiên, giao dịch của khối ngoại được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận, nên không hỗ trợ gì nhiều cho cổ phiếu này. Do đó, chốt phiên 18/12, cổ phiếu PNJ vẫn giảm tới 3,72% xuống mức 95.800 đồng/cp.
Theo phân tích kỹ thuật, cổ phiếu PNJ vẫn đang có xu hướng điều chỉnh, tích lũy trong ngắn hạn. Tuy nhiên về trung và dài hạn, động lực tăng giá của cổ phiếu này vẫn còn lớn. Bởi vậy, nhà đầu tư có thể tranh thủ nhịp điều chỉnh của cổ phiếu này xuống vùng 70.000- 80.000đ/cp để mua vào.
Có thể bạn quan tâm
04:06, 18/07/2018
07:00, 08/07/2018
21:12, 13/06/2018
04:50, 06/05/2018
12:23, 22/04/2018
Sở dĩ khối ngoại quan tâm nhiều tới cổ phiếu PNJ là do tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn đang tích cực. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PNJ trong 9 tháng đầu năm nay đạt lần lượt 10.508 tỷ đồng và 517 tỷ đồng, tăng lần lượt 34% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau 9 tháng đầu năm, PNJ đã hoàn thành 76,5 % kế hoạch doanh thu và 78,7% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Động lực tăng trưởng chính của PNJ đến từ mảng trang sức. Theo đó, mảng vàng trang sức tăng trưởng trung bình khoảng gần 40%/năm. Biên lợi nhuận gộp của mảng vàng trang sức đã tăng khá mạnh lên mức 21,6% trong 9 tháng đầu năm 2018, so với mức 19,7% của năm 2017. Tỷ trọng đóng góp của mảng vàng trang sức trong cơ cấu doanh thu đã tăng lên mức 79% trong 9 tháng đầu năm 2018, so với mức 77,6% của cùng kỳ năm ngoái. Trong 9 tháng đầu năm nay, PNJ đã mở mới 44 cửa hàng, nâng số lượng cửa hàng lên khoảng hơn 300 cửa hàng và tiếp tục phấn đấu nâng số lượng cửa hàng lên 400 vào năm 2020.
Với lợi thế mạng lưới phân phối rộng khắp và không ngừng mở rộng, PNJ dẫn đầu về thị phần so với các đối thủ cạnh tranh chính như DOJI, SJC, Bảo Tín Minh Châu, BTJ… và kỳ vọng sẽ lấy được thị phần từ các doanh nghiệp nhỏ lẻ.
Nếu so sánh với các đối thủ cùng ngành, PNJ đứng thứ hai về doanh thu, chỉ sau Công ty SJC. Tuy nhiên, PNJ lại dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế, kể cả biên lợi nhuận gộp. Sở dĩ như vậy là do PNJ đã đẩy mạnh mảng vàng trang sức từ nhiều năm nay, trong khi SJC, DOJI… mới chỉ quan tâm tới mảng này kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng siết chặt sản xuất, kinh doanh vàng miếng.
Đối với mảng vàng trang sức, PNJ vẫn đang đối mặt với một số rủi ro. Thứ nhất, giá vàng biến động phức tạp, khó lường, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng nói chung và PNJ nói riêng không có biện pháp phòng ngừa rủi ro do hiện nay các doanh nghiệp chưa được sử dụng các công cụ phái sinh về vàng. Thứ hai, từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, buộc PNJ phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, nên không chủ động được nguồn vàng nguyên liệu cho sản xuất. Thứ ba, quan điểm của Chính phủ và NHNN vẫn sẽ tiếp tục siết chặt quản lý thị trường vàng, nên về dài hạn, đây vẫn là thách thức đối với PNJ. Thứ tư, việc mở rộng mạng lưới cửa hàng quá nhanh sẽ khiến chi phí tăng mạnh và tiềm ẩn rủi ro khó lường, khi có thêm các đối thủ cạnh tranh mới nặng ký, nhất là khi các doanh nghiệp ngoại cũng đã và đang đầu tư mạnh vào sản xuất, kinh doanh vàng trang sức ở Việt Nam.