Áp lực giảm giá PNJ

Phương Hà 08/07/2018 07:00

Cổ phiếu của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) đã sụt giảm tới hơn 45% chỉ trong khoảng 3 tháng qua. 

Vừa qua, bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Thành viên HĐQT PNJ, bị khởi tố liên quan vụ án tại Dong A Bank. Ngay sau thông tin này, giá cổ phiếu PNJ đã giảm khá mạnh.

Trang sức mang lại biên lợi nhuận cao

Trong 5 tháng đầu năm 2018, PNJ ghi nhận đà tăng trưởng rất mạnh với tổng doanh thu khoảng 6.489 tỷ đồng, tăng 34% cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ chiếm 73%, tăng 36% cùng kỳ. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 580 tỷ đồng, hoàn thành 53% kế hoạch năm.

Để đạt được kết quả này, PNJ đã có những thay đổi lớn trong chiến lược kinh doanh khi ngày càng hạ tỷ trọng kinh doanh vàng miếng để tập trung vào những mảng có biên lợi nhuận cao hơn nhiều là vàng, bạc trang sức, đồng hồ.

Năm 2017, doanh thu PNJ đạt gần 11.000 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với SJC nhưng lãi gộp lên tới 1.912 tỷ đồng, gấp 11 lần SJC, tương ứng tỷ suất lợi nhuận gộp 17,4%.

Tại Việt Nam, PNJ được biết tới là doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý trang sức có hệ thống phân phối cũng như thị phần lớn nhất. Tính tới cuối tháng 5/2018, PNJ đã có 300 cửa hàng trên toàn quốc, bỏ xa các đối thủ như DOJI, Bảo Tín Minh Châu, SJC,…

Theo các chuyên gia kiểm toán, một điểm đáng chú ý, mặc dù doanh thu PNJ năm 2017 vẫn còn kém giai đoạn 2010 – 2011 (thời kỳ đỉnh cao kinh doanh vàng miếng), nhưng chất lượng lợi nhuận đã tăng lên đáng kể do tập trung vào mảng trang sức đem tỷ suất lợi nhuận cao hơn .

“Lấn sân” sang thị trường đồng hồ

Hiện nay, PNJ còn kinh doanh thêm một số sản phẩm khác là phụ kiện thời trang, đồng hồ. Từ năm 2012 tới nay, PNJ đã bán thử nghiệm đồng hồ tại các cửa hàng trang sức với các thương hiệu ở mức trung bình như Tissot, Citizen, Seiko, …

Do mới trong giai đoạn thử nghiệm nên doanh thu từ các mảng phụ kiện thời trang, đồng hồ của PNJ vẫn khá khiêm tốn, chỉ từ 10 – 20 tỷ đồng/năm. Riêng năm 2017, doanh thu từ mảng này đạt gần 24 tỷ đồng, con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong quý I/2018, doanh thu bán phụ kiện, đồng hồ tiếp tục tăng trưởng 10% so với cùng kỳ lên 7,27 tỷ đồng.

580
tỷ đồng là tổng lợi nhuận trước thuế của PNJ trong 5 tháng đầu năm 2018, hoàn thành được 53% kế hoạch năm 2018.

Dù doanh thu chưa lớn, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp của các mảng kinh doanh phụ kiện, đồng hồ của PNJ lại khá cao, khoảng 60 – 70%, cao hơn đáng kể so với trang sức là 30% .

Theo Ban Lãnh đạo PNJ, mặc dù 2018 vẫn còn là giai đoạn thử nghiệm nhưng PNJ dự kiến tạo bước đột phá mới bằng việc mở mở 20 cửa hàng Signature bán đồng hồ có thương hiệu riêng, song song với việc bán lồng ghép tại các cửa hàng vàng trang sức PNJ hiện nay. Thậm chí, bên cạnh chuỗi cửa hàng, PNJ cũng sẽ đầu tư phát triển thương mại điện tử để có thể bán đồng hồ trực tuyến…

Động lực tăng trưởng của PNJ

Những thông tin bất lợi liên quan đến Dong A Bank, cùng đà giảm không phanh của thị trường chứng khoán trong thời gian qua đã thực sự gây sốc cho các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu PNJ. Các nhà đầu tư đã liên tục bán ra và hiện vẫn đang tiến thoái lưỡng nan không biết nên bán ra hay nắm giữ cổ phiếu này.

Theo nhiều chuyên gia phân tích tài chính, đà giảm của cổ phiếu PNJ như hiện nay là tất yếu, sau một giai đoạn nhà đầu tư đã có phần quá lạc quan trước triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, các nhà đâu tư có kinh nghiệm cho rằng, giá trị hợp lý của PNJ thực sự rơi vào 70.000-90.000 đồng/cp khi mà thị trường không còn chấp nhận mức P/E cao như trước đây.

Nhà đầu tư Nguyễn Hồng Điệp trên sàn VPBS cho rằng, động lực tăng trưởng của PNJ hiện vẫn còn lớn dù thị trường trồi sụt, đó là thị trường bán lẻ với dư địa tăng trưởng dồi dào, chưa kể lĩnh vực vàng bạc đá quý đang có tổng cầu cao lại rất ít đối thủ có thể cạnh tranh với PNJ; Chiến lược đầu tư tổng cộng 8,3 triệu USD cho hệ thống ERP mới cũng như chuyển sang nền tảng số trong năm 2018 và 2019 nhằm gần hơn với người tiêu dùng; Kế hoạch đầu tư hệ thống công nghệ 4.0 với vốn đầu tư ước tính ban đầu khoảng 5 triệu USD…sẽ giúp PNJ lưu lại dữ liệu của khách hàng, tổng hợp và tính toán nhu cầu thị hiếu chung của thị trường, từ đó chủ động trong việc sản xuất kinh doanh.

Các chuyên gia cho rằng, tùy thuộc vào mức độ chịu rủi ro, các nhà đầu tư có thể cân nhắc bán ra hoặc tiếp tục nắm giữ PNJ, vì suy cho cùng PNJ cũng là một trong những cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh của thị trường.

Tận dụng phân mảnh thị trường

Các doanh nghiệp vàng bạc, đá quý nói chung vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn do Chính phủ đã và đang thực hiện chủ trương siết chặt sản xuất, kinh doanh vàng miếng. Việc chuyển hướng mạnh sang mảng sản xuất, kinh doanh vàng trang sức là hướng đi rất đúng đắn của một số doanh nghiệp lớn, như PNJ, DOJI, Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu... Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang “bí” đầu vào vì từ nhiều năm nay, NHNN chưa cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào được nhập khẩu vàng nguyên liệu, buộc các doanh nghiệp phải mua vàng trôi nổi trên thị trường. Mặc dù vậy, nhu cầu vàng trang sức được dự báo không ngừng gia tăng, đây là tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Trong khi đó, với mảng kinh doanh đồng hồ, hiện nay nhu cầu sử dụng đồng hồ như là một vật trang sức ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, để mua được đồng hồ "xịn" tại Việt Nam là điều không dễ dàng, bởi chuỗi phân phối chính hãng còn hạn chế, ngoài ra đồng hồ giả cũng đang là vấn nạn trên thị trường.

Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người và thị trường đồng hồ có quy mô ước tính 17.000 tỷ đồng nhưng rất phân mảnh và chưa có tay chơi lớn nào tham gia rõ ràng là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp.
Nhìn lại những chuỗi bán lẻ như Thế giới di động hay chính PNJ, một trong những yếu tố quyết định thành công là việc tận dụng sự phân mảnh của thị trường. Thế giới Di động tận dụng tốt việc phân mảnh của ngành điện thoại, điện máy, còn PNJ tận dụng tốt sự phân mảnh của thị trường vàng. Bởi vậy, thị trường đồng hồ hiện đang là mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ lớn như PNJ nhập cuộc...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp lực giảm giá PNJ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO