POM được ghi nhận tiếp tục thua lỗ nặng trong quý IV/2023, nâng số quý lỗ liên tục lên 7 quý; đồng thời, con số lỗ lũy kế tính đến cuối 2023 cũng lên gần 2.200 tỷ đồng.
>>>Cổ phiếu ngành thép sẽ “tiếp sóng”
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Công ty CP Thép Pomina (HOSE: POM) ghi nhận doanh thu tiếp tục giảm mạnh xuống còn 333 tỷ đồng, giảm tới 82% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn cũng giảm tương ứng 85% so với cùng kỳ, còn 311 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể với 22 tỷ đồng, cùng kỳ doanh nghiệp lỗ gộp 242 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp theo đó cũng cải thiện lên 7%.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của POM cũng giảm mạnh 72% so với cùng kỳ, xuống còn 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải gánh 215 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 48% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, doanh nghiệp ngành thép này còn ghi nhận khoản lợi nhuận khác lỗ 148 tỷ đồng. Mặc dù, đã cắt giảm được một phần chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, với mức giảm tương ứng 24% và 49%, nhưng vẫn không thể cứu doanh nghiệp khỏi một quý thua lỗ 314 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp ngành thép này.
Giải trình về kết quả thua lỗ này, lãnh đạo POM cho biết, nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động, nhưng phải gánh chịu nhiều chi phí, trong đó, có chi phí lãi vay. Công ty đang tái cấu trúc và đã tìm được nhà đầu tư mới, mọi thủ tục đang chờ phê duyệt của ĐHCĐ dự kiến tiến hành ngày 15/3/2024, ngay sau ĐHCĐ, công ty sẽ đưa Pomina 3 vào hoạt động trở lại, dự kiến đầu quý II/2024.
Ngoài ra, tình hình bất động sản vẫn trong tình trạng đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao, gây lỗ lớn trong kỳ.
Luỹ kế cả năm 2023, POM ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.300 tỷ đồng, giảm mạnh 75% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ghi nhận lỗ 960 tỷ đồng, qua đó, nâng con số lỗ trong 7 quý vừa qua lên gần 2.200 tỷ đồng.
Ở một diễn biến khác, vào ngày 29/01/2024 vừa qua, HĐQT POM đã bất ngờ công bố Nghị quyết về việc tạm dừng triển khai kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nansei. Theo kế hoạch ban đầu, POM sẽ phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu, tương ứng với hơn 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp, cho hãng thép Nhật Bản Nansei với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền huy động được từ đợt chào bán riêng lẻ này là 700 tỷ đồng, dự kiến sẽ được doanh nghiệp dùng để khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho Công ty.
Tuy nhiên, kế hoạch phát hành riêng lẻ này bị tạm ngưng đột ngột, nhưng trong văn bản giải trình kết quả kinh doanh quý IV/2023 vào ngày 30/1, POM vẫn cho biết, công ty đang tái cấu trúc và đã tìm được nhà đầu tư mới, mọi thủ tục đang chờ phê duyệt của ĐHCĐ dự kiến tiến hành ngày 15/3/2024, đồng thời, sẽ đưa Pomina 3 vào hoạt động trở lại, dự kiến đầu quý II/2024.
Điều này khiến giới đầu tư đặt câu hỏi về tính minh bạch thông tin cũng như hoài nghi về khả năng doanh nghiệp này có đủ nguồn vốn để tái cấu trúc hay không, khi không còn nguồn vốn từ đợt phát hành riêng lẻ này.
Kết quả kinh doanh ảm đạm của POM đang đi ngược lại với một số doanh nghiệp trong ngành cũng như xu hướng phục hồi của ngành thép, khi trong 10 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu thép các loại đạt hơn 6,7 triệu tấn, tăng trưởng 26,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý có thị trường Ấn Độ tăng 16 lần về lượng và 7,8 lần về giá trị (theo VSA).
Trong báo cáo Triển vọng thị trường mới đây, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng vào sự phục hồi của ngành thép trong năm 2024. PHS cho rằng, 2024 sẽ là năm mà thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ hồi phục nhờ vào những tháo gỡ khó khăn về vấn đề pháp lý. Đối với quặng sắt và than cốc, nguồn cung sẽ không còn bị thắt chặt như thời gian vừa qua do vấn đề bảo trì và hoạt động tại các mỏ quặng lớn tại Brazil và Úc. Điều này cộng với việc các nhà máy bổ sung thêm tồn kho của mình và chính sách cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào giảm dần, tạo ra ảnh hưởng tích cực lên biên lợi nhuận của các nhà máy thép BOF.
Cũng theo PHS, sau chu kỳ thắt chặt lãi suất để chiến đấu với lạm phát, Fed đã bắt đầu với các động thái bồ câu hơn. Thị trường kỳ vọng chu kỳ giảm lãi suất sẽ bắt đầu từ 2H2024 và sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu thép gia tăng.
Đơn vị này cũng cho rằng, Việt Nam đang là một trong những cứ điểm sản xuất toàn cầu trước làn sóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và được kỳ vọng sẽ đón nhận làn sóng đầu tư mới từ những nền kinh tế lớn. Các dự án bất động sản KCN phát triển sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng sắt thép trong thời gian tới.
“Đầu tư công đã, đang và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới trước những quyết tâm của chính phủ nhằm thu hút FDI và trợ lực cho nền kinh tế. Theo ước tính của chúng tôi, thép chiếm khoảng 30% trong tổng chi phí của các hoạt động đầu tư công”, PHS đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu ngành thép sẽ “tiếp sóng”
03:49, 30/01/2024
Tăng trưởng xanh của ngành thép
02:00, 09/01/2024
Ngành thép năm 2024: Triển vọng phục hồi từ thị trường xuất khẩu
04:30, 19/12/2023
Chu kỳ dò đáy nhóm cổ phiếu ngành thép liệu đã kết thúc?
05:02, 18/12/2023
Giá thép "phi mã" kéo theo đà tăng của cổ phiếu ngành thép
05:22, 27/11/2023