Tài chính doanh nghiệp

POM ngập chìm trong thua lỗ

Đình Đại 23/08/2024 04:21

Trong bối cảnh ngành thép đang có những tín hiệu hồi phục tích cực, nhờ sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản nhà ở, POM vẫn tiếp tục nối dài quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp.

Theo Báo cáo tài chính quý II/2024 mới công bố, Công ty CP Thép Pomina (UpCOM: POM) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 616 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2023. Do kinh doanh dưới giá vốn nên doanh nghiệp ngành thép này lỗ gộp gần 51 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ gộp 35 tỷ đồng.

pom.jpg
POM tiếp tục thua lỗ quý thứ 9 liên tiếp - Ảnh: POM.

Trong kỳ này, chi phí tài chính của doanh nghiệp được cắt giảm 35% so với cùng kỳ, xuống còn 150 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tiết giảm 23% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 50 tỷ đồng. Riêng chi phí bán hàng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên 5,2 tỷ đồng.

Kết quả, sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế gần 280 tỷ đồng, giảm lỗ đáng kể so với con số lỗ 350 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp của doanh nghiệp ngành thép này.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân thua lỗ trong quý II là do nhà máy thép Pomina 3 và Pomina 1 còn ngưng hoạt động nhưng doanh nghiệp vẫn phải chịu các chi phí quản lý, lãi vay... trong đó, chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng nhiều nhất nên gây lỗ trong kỳ. Hiện công ty đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc và có thể sản xuất trở lại trong thời gian sớm nhất.

Tính chung nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần của POM đạt hơn 1.087 tỷ đồng, giảm hơn 55% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 505 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái lỗ 537 tỷ đồng.

Cũng do thua lỗ liên tiếp, nên cổ phiếu POM đã bị HoSE ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 10/5. Theo đó, gần 280 triệu cổ phiếu POM đã giao dịch ngày đầu trên UPCoM từ tháng 5 và chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần.

Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của POM đạt hơn 9.364 tỷ đồng, giảm gần 10% so với đầu năm. Trong đó, yếu giảm ở các khoản phải thu ngắn hạn giảm hơn một nửa, còn 1.603 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm 29%, còn 471,6 tỷ đồng và chi phí trả trước ngắn hạn giảm 97%, còn 5,8 tỷ đồng.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của doanh nghiệp này còn 8.615 tỷ đồng, giảm được 2,2% so với đầu năm. Riêng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp còn lần lượt 5.463 tỷ đồng và 719 tỷ đồng.

Ở một diễn biến khác, mới đây, POM đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Thép Nansei đến từ Nhật Bản. Đáng chú ý, đây cũng chính là "đối tác hụt” của POM trong kế hoạch phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu hồi năm ngoái, nhưng không thành công do vướng quy định.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, sự tái cấu trúc mạnh mẽ có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược sẽ cung cấp đủ nguồn nguyên liệu cần thiết cho Công ty CP Thép Pomina 2 vận hành tối đa công suất bắt đầu từ tháng 9/2024, đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

cppom.jpg
Do kinh doanh thua lỗ triền miên, cổ phiếu POM đã bị hủy niêm yết trên HoSE và phải chuyển xuống niêm yết trên UpCOM, đồng thời chỉ được giao dịch vào thứ Sáu hàng tuần.

Bên cạnh đó, POM cũng đã ký MOU (biên bản ghi nhớ) với Nansei là đối tác chiến lược với mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025, giúp POM đón đầu nhu cầu đầu tư công và các dự án bất động sản dự kiến phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025.

Kết quả kinh doanh ảm đạm của POM diễn ra trong bối cảnh ngành thép đang có những tín hiệu hồi phục khả quan. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VFA), thị trường thép đã có tín hiệu phục hồi tích cực, ngành xây dựng tăng 7,34%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất thép thành phẩm đạt 14,427 triệu tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng thép thành phẩm đạt 14,274 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,216 triệu tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận định về triển vọng ngành thép trong nửa cuối năm 2024, Chứng khoán KBSV cho rằng, trong nửa cuối năm 2024, sản lượng tiêu thụ nội địa được dự báo sẽ hồi phục nhờ vào sự phục hồi của lĩnh vực bất động sản nhà ở và sự gia tăng số lượng dự án mới được cấp phép.

Theo đó, Luật Đất đai sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 sắp tới được kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu tiêu thụ thép trong nước. Thực tế cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, xu hướng hồi phục tại thị trường nội địa đã và đang diễn ra khi sản lượng tiêu thụ thép ống từ tháng 4 đến tháng 5/2024 đạt 191/184 nghìn tấn, tăng 26%/14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tiêu thụ thép ống này chủ yếu đến từ thị trường trong nước.

Liên quan đến giá thép, theo KBSV, Ủy ban châu Âu đã thông qua quyết định kéo dài hiệu lực của các biện pháp phòng vệ đối với một số sản phẩm thép đến cuối tháng 6/2026. Chính sách này sẽ giúp gia tăng sản lượng tiêu thụ thép cán nóng (HRC) nội địa tại EU và cải thiện giá cả tại đây. Đồng thời, duy trì sự ổn định giá tôn mạ giữa EU và Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất thép xuất khẩu từ Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, KBSV dự đoán giá thép sẽ được hỗ trợ nhờ nhu cầu nội địa gia tăng, làm giảm áp lực điều chỉnh và cạnh tranh với giá thép Trung Quốc. Thêm vào đó, giá nguyên vật liệu đầu vào có xu hướng giảm từ đầu năm, điều này sẽ giúp biên lãi gộp của các doanh nghiệp sản xuất thép được cải thiện trong các quý tới.

"Triển vọng tăng trưởng của ngành thép từ năm 2025 đến năm 2027 được đánh giá tích cực nhờ nhu cầu nội địa hồi phục từ nửa cuối năm 2024, sản lượng tiêu thụ gia tăng khi các nhà máy mới đi vào hoạt động và thị trường bất động sản Trung Quốc bắt đầu hồi phục chậm từ năm 2025", KBSV nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
POM ngập chìm trong thua lỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO