Dù có vị thế tốt trong ngành kinh doanh cốt lõi nhưng Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) vẫn “lép vế” so với đối thủ cạnh tranh.
PV Oil có 4 mảng kinh doanh chính, gồm: Xuất khẩu bán dầu thô; Nhập khẩu và cung cấp dầu cho các nhà máy lọc dầu trong nước; Kinh doanh bán lẻ xăng dầu; Hóa dầu và sản xuất Ethanol.
PV OIL vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu thuần 12.612 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí giá vốn, PV OIL lãi gộp 573 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý, doanh nghiệp này ghi nhận 103,7 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm tới 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm khá mạnh, gần 24% xuống 167,6 đồng, còn chi phí bán hàng chỉ tăng nhẹ 3% lên 396 tỷ đồng. Kết thúc quý 3/2021, PV OIL lãi ròng 56,5 tỷ đồng, đảo chiều từ khoản lỗ 16,6 tỷ đồng quý 3/2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của PV OIL đạt 37.800 tỷ đồng, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên nhờ giảm tải giá vốn, cũng như chi phí khác nên doanh nghiệp này vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 615 tỷ đồng, trong khi 9 tháng đầu năm ngoái lỗ trên 305,5 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra cho năm 2021, PV OIL mới chỉ hoàn thành 68% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã vượt gần 54% chỉ tiêu về lợi nhuận.
500 tỷ đồng là khoản lỗ lũy kế của PV OIL tính đến cuối quý 3/2021, giảm 45% sau 9 tháng đầu năm nay.
Mặc dù vậy, đến cuối quý 3/2021, PV OIL vẫn lỗ lũy kế hơn 500 tỷ đồng, dù đã giảm lỗ 45% sau 9 tháng đầu năm nay.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, doanh thu lớn nhất hiện nay của PV OIl đến từ hoạt động xuất, nhập khẩu dầu, nhưng biên lợi nhuận của hoạt động này trong các năm qua rất thấp. Do đó, PV OIL sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh doanh bán lẻ xăng dầu nhằm cải thiện biên lợi nhuận. Tuy nhiên, chiến lược này đang gặp phải rủi ro do mặt bằng phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu tại các trung tâm thành phố lớn không nhiều và đối thủ cạnh tranh chính của PV Oil là Petrolimex.
Để cạnh tranh với Petrolimex, PV Oil đã bắt tay hợp tác thanh toán với Vietcombank, Viettel khi mua xăng dầu tại các cây xăng PVOIL qua ứng dụng điện tử. Tính đến nay, ứng dụng này đã phục vụ cho gần 1.000 khách hàng doanh nghiệp ký hợp đồng dài hạn; hỗ trợ kiểm soát giao dịch mua xăng dầu cho các tài xế thuộc các khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Petrolimex đã chiếm 50% thị phần, trong khi PV OIL đang chiếm 22%, còn lại thuộc về các doanh nghiệp khác. Do vậy, động thái này khó giúp PV Oil chen chân vào thị phần của Petrolimex.
Mặc khác, hầu hết cửa hàng xăng dầu của PV Oil hiện chỉ tập trung kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, các cửa hàng xăng dầu của nhiều đối thủ cạnh tranh đã kinh doanh thêm cửa hàng tiện lợi, gara nhỏ… Những dịch vụ đó, theo kinh nghiệm các nước xung quanh, có thể đem lại nửa doanh thu, lợi nhuận ngang ngửa xăng dầu, lưu chuyển dòng tiền tốt, rất tiềm năng. Đây chính là thách thức lớn của PV Oil trong bối cảnh hiện nay.
Theo BVSC, để có thể cạnh tranh với Petrolimex về thị phần cũng như chiến lược kinh doanh xăng dầu, PV Oil cần phải định hình lại phân khúc đa dạng hình thức kinh doanh cũng như đẩy nhanh khâu thoái vốn Nhà nước. Có như vậy, PV OIL mới có thể cải thiện sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị phần; tiến tới xóa lỗ lũy kế.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu họ dầu khí đang “thăng hoa”
13:28, 19/10/2021
Cổ phiếu dầu khí còn đà tăng từ nay đến cuối năm?
11:02, 09/10/2021
Kỳ vọng gì ở cổ phiếu dầu khí khi giá Brent vượt 80USD?
13:30, 02/10/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Trưởng BCĐ các dự án trọng điểm về dầu khí
21:08, 06/09/2021