Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, có quá tải trong việc điều trị F0 và ca nhiễm F1 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam do có sự quá lo lắng trong phân loại.
Trao đổi tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 chiều ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, để đáp ứng việc điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 (F0), ngay từ rất sớm, Bộ Y tế đã chủ động bàn với TP HCM chuẩn bị mọi kịch bản, như chuẩn bị vật chất, hạ tầng, làm sao có thể chủ động nhất với tình huống xấu hơn có thể xảy ra.
“Tuy nhiên, tình hình chung hiện tại có sự quá tải ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Bệnh nhân khu vực tầng 3 điều trị, tại khu vực hồi sức tích cực đang khá cao”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã chỉ đạo phải phân tầng đúng theo tình trạng bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện một số địa phương có tình trạng quá lo, tình trạng bệnh chưa đến phải điều trị ở tầng 3 mà đã chuyển tới, gây quá tải.
“Một số bệnh nhân được phân vào tầng 3 điều trị nhưng hoàn toàn có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, ở bệnh viện tuyến huyện. Chúng tôi đang chỉ đạo phải phân tầng đúng. Nhưng cũng chú ý phân tầng không được muộn quá, bởi nếu chậm có nguy cơ tử vong cao. Phân tầng đúng có ý nghĩa rất quan trọng”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho biết, Bộ Y tế đã thiết lập 141 bệnh viện dã chiến, nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu, ngay tại TP.HCM có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của các bệnh viện loại đặc biệt đặt cơ sở...
“Chúng tôi đã huy động 10.000 sinh viên ngành y, dược. Nhiều anh em y, bác sĩ từ Tết chưa về. Nhiều người từng chiến đấu ở Bạch Mai, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, hiện tại đóng ở Đồng Nai”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Trên thực tế, ngành y tế đã tổ chức phân tầng cả hệ thống y tế công lập và các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị chia làm 5 tầng. Tầng cao nhất điều trị cho các ca bệnh nặng và nguy kịch. Khi số ca bệnh tăng cao, F0 không có triệu chứng được cách ly theo dõi chủ động ở gia đình nhằm giảm áp lực quá tải cho hệ thống điều trị.
Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn diễn ra ở tất cả các tầng từ bệnh nhẹ đến bệnh nặng và nguy kịch. BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh kiêm Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Thu dung Điều trị COVID-19 số 3 cho hay: Bệnh viện được giao nhiệm vụ tiếp nhận F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà và F0 có triệu chứng đặt tại Ký túc xá trường Cao đẳng Công thương quy mô 800 giường; ký túc xá Đại học Sư phạm Kỹ thuật cơ sở 2 trên đường Lê Văn Việt quy mô 1.500 giường nhưng đến nay đều đã hết công suất. Tại Bệnh viện Dã chiến số 3 hơn 2.400 bệnh nhân thuộc phân tầng 3 nhóm có biểu hiện bệnh lý mức độ trung bình, đến nay đã không còn chỗ trống.
Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hóc Môn điều trị COVID-19 cho khu vực Tây Bắc của TPHCM quy mô 500 giường cũng không còn chỗ. BS Đặng Quốc Quân, Giám đốc bệnh viện cho biết, hiện nhà để xe của bệnh viện được sử dụng thêm 200 giường. “Nhân lực vẫn không tăng thêm, trang thiết bị còn hạn chế nhưng tăng số giường với hy vọng cứu chữa được càng nhiều người càng tốt”.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Bộ Y tế đã phân cho TP.HCM gần 3,6 triệu liều vaccine Covid-19. Trong ngày mai (ngày 12/8), TP.HCM sẽ tiêm hết số vaccine được cấp và dự kiến triển khai tiêm vaccine khác.
Hà Nội được cấp 2,94 triệu liều, đã tiêm được 1,5 triệu, chiếm khoảng 50%. Những ngày tới, Hà Nội sẽ tăng tốc tiêm.
Bộ Y tế đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố về việc phân bổ. Quan điểm là tiêm nhanh nhưng phải an toàn, tiêm mũi nào thì an toàn mũi đó. Tới đây khi lượng vaccine về nhiều hơn, việc tiêm chủng sẽ tăng tốc. “Mỗi ngày chúng ta có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi vaccine”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
19:06, 11/08/2021
14:37, 05/08/2021
20:04, 05/08/2021
14:19, 05/08/2021
05:14, 02/08/2021
00:01, 25/07/2021