Các tập đoàn công nghệ có thể vẫn sẽ là “quân bài chiến lược” giúp Mỹ bành trướng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, bất kể ai đắc cử Tổng thống Mỹ.
Với sự hậu thuẫn của Nhà trắng, 4 đại công ty công nghệ của Mỹ, Amazon, Facebook, Google, Apple vượt qua mọi chướng ngại vật, đạt lợi nhuận ròng 38 tỷ USD chỉ trong quý 3/2020.
Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, hàng tỷ người bị mắc kẹt ở nhà thì Amazon lại là kênh duy nhất có thể cung ứng nhu yếu phẩm mà không cần phải đến chợ hoặc siêu thị. Thậm chí, Amazon có thể đánh bại quan điểm của một bộ phận không nhỏ thành kiến với thương mại điện tử khi lợi nhuận quý 3 của tập đoàn này tăng 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải trí trực tuyến trở thành lựa chọn duy nhất khi nhiều quốc gia buộc phải thực hiện lệnh phong tỏa do COVID-19, Google và Facebook đáp ứng tối đa nhu cầu này. Kết quả lợi nhuận quý 3/2020 của hai doanh nghiệp này tăng lần lượt 59% và 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Apple tuy không trực tiếp hưởng lợi từ dịch bệnh, nhưng vốn được cấu trúc để đi trước thời đại. Apple không những tăng trưởng trên thị trường thiết bị phần cứng, mà cả các ứng dụng trực tuyến.
Sự tăng trưởng mạnh của các ông lớn công nghệ này cũng nảy sinh mối lo độc quyền. Điều này đã khiến hơn 1.000 công ty trên toàn cầu cùng tẩy chay phương pháp quảng cáo trên Facebook.
Đặc biệt, với sức mạnh chi phối dư luận, giới chuyên gia nhận định, các đế chế công nghệ này cũng đóng vai trò không hề nhỏ đến kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Trong chiến tranh thương mại, các gói thuế mà Washington đánh vào Bắc Kinh chỉ là bề nổi, sâu thẳm trong đó là cuộc chiến tranh công nghệ. Ông Trump đã khéo léo sử dụng Google, Facebook, Intel để kiềm chế sự bành trướng của Huawei, ByteDance, Tencent…
Mới đây, Nvidia (Mỹ) đã được “bật đèn xanh” để mua lại nhà thiết kế chip ARM từ Nhật Bản, qua thương vụ này nền công nghệ chiến lược của Mỹ chính thức gom toàn bộ sức mạnh, đẩy Trung Quốc vào chân tường.
Như vậy, Tổng thống Trump rất biết cách sử dụng sức mạnh kinh tế công nghệ để thực hiện đường lối chính trị, đàn áp các đối thủ cạnh tranh. Đương nhiên, những đế chế kinh tế cũng sẵn sàng nương theo quyền lực chính trị để tiếp tục nắm quyền chi phối độc quyền.
Bất kể ai chiến thắng trong bầu cử Mỹ lần này thì kinh tế công nghệ vẫn là quân bài chiến lược giúp Mỹ bành trướng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Ngược lại, Trung Quốc đang hạn chế xuất khẩu công nghệ chiến lược để có nguồn lực tự chủ.
Như vậy, công nghệ không chỉ là xu hướng kinh tế tất yếu, mà còn được nâng lên thành vũ khí phi truyền thống có sức sát thương lớn. Căn cứ vào thực tiễn, cùng với các tiềm lực truyền thống khác, Mỹ sẽ còn chi phối cục diện thế giới ít nhất vài thập kỷ tới.
Có thể bạn quan tâm
08:53, 05/11/2020
08:39, 05/11/2020
06:34, 05/11/2020
22:06, 04/11/2020
14:15, 04/11/2020