Hơn bao giờ hết, ASEAN cần gắn kết hơn thông qua việc sáng kiến thiết lập khung khổ mới và nâng cấp cơ chế hợp tác hiện có.
>>Việt Nam trong "bàn cờ" ASEAN
Chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia, Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob đến Việt Nam lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khi bối cảnh quốc tế biến động dữ dội, Đông Nam Á đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.
Nhìn vào biểu đồ quan hệ thương mại song phương có thể thấy, mối quan hệ kinh tế hai nước liên tục phát triển. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từ con số 0 năm 1994 lên 12,5 tỷ USD năm 2021.
Từ một vài khúc mắc mang tính lịch sử, hai bên dần cởi bỏ rào cản, làm thông thoáng tư duy ngoại giao phù hợp với tình hình mới. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược - lâu dài kể từ năm 2015.
Mặc dù cùng chung khu vực ASEAN, là thành viên của nhiều Hiệp định Thương mại, diễn đàn kinh tế, thương mại nhưng Việt Nam và Malaysia chưa tận dụng hết tiềm năng đôi bên.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Malaysia các mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy vi tính, điện thoại, máy móc, thiết bị, phụ tùng,…đều là những nhóm hàng không phải thế mạnh của nước ta. Nói cách khác, đó hầu hết là sản phẩm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Malaysia là thị trường tiêu thụ nông sản khá lớn với quy mô 32 triệu người, thu nhập bình quân đầu người thuộc nhóm cao, ngày càng thiếu hụt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp
Sản xuất lúa gạo trong nước chỉ đáp ứng khoảng 60-70%, nhu cầu mua thêm khoảng 1 triệu tấn/năm; cà phê, rau, củ, quả, thủy sản, bánh kẹo,…nhập khẩu hàng năm với số lượng lớn.
Vựa gạo miền Tây Nam Bộ rất thuận lợi để xuất cảng sang Malaysia bởi lãnh thổ hai nước chỉ cách nhau qua cửa vịnh Thái Lan. Việt Nam có lợi hơn các đối tác ngoài khu vực nhờ Hiệp định RCEP, Hiệp định khung ASEAN và nhiều Hiệp định kinh tế sắp được nâng cấp.
Malaysia là một điển hình thành công về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sở hữu nền công nghiệp dầu khí tự chủ và hiện đại, Petronas là tập đoàn dầu khí thuộc Chính phủ, đang áp dụng mô hình điều hành rất linh hoạt, sản xuất đủ sản lượng giúp điều tiết giá trong nước, đồng thời còn xuất khẩu, hợp tác thăm dò khai thác ngoài lãnh thổ.
Mô hình kinh tế mới Malaysia (NEM) giúp nước này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, chuyển sang nền kinh tế sáng tạo trên nền tảng các hoạt động có giá trị gia tăng cao.
NEM có mấy điểm rất hữu ích để Việt Nam tham khảo: Tăng trưởng nhờ năng suất, thúc đẩy cạnh tranh khôi phục đầu tư tư nhân, trao thêm quyền cho chính quyền địa phương, lựa chọn ưu tiên cho các ngành công nghiệp, thu hút chuyên gia có tay nghề cao,…
Tại Hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị: "các công ty Malaysia tăng cường đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng chất lượng cao, đổi mới sáng tạo, công nghệ cao và ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số..."
Là hai quốc gia có “tiếng nói” trong khu vực ASEAN, Việt Nam và Malaysia đã được Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của chính quyền Joe Biden lựa chọn làm trọng tâm.
Trong cuộc đấu ngày càng quyết liệt giữa các siêu cường, Đông Nam Á cần đứng vững trên lập trường của mình; bảo vệ nguyên tắc, cam kết, thống nhất trong ASEAN, cùng đưa ra tiếng nói chung làm hài hòa quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Hơn bao giờ hết, ASEAN cần gắn kết hơn thông qua việc sáng kiến thiết lập khung khổ mới và nâng cấp cơ chế hợp tác hiện có. Trong đó Hà Nội và Kurla Lampur đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Có thể bạn quan tâm