Tối 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam lên đường thăm chính thức Malaysia và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Chuyến thăm diễn ra từ ngày 24-28/5/2025 theo lời mời của Thủ tướng Malaysia - nước Chủ tịch ASEAN 2025 Anwar Ibrahim và Phu nhân.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Malaysia sau 10 năm và là chuyến thăm Malaysia đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 11/2024.
Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, trong đó coi trọng, ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng và ASEAN, trong đó có Malaysia - Đối tác Chiến lược toàn diện và là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Chuyến thăm diễn ra đúng dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh dấu sự khởi đầu tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam dành cho Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2025 và quyết tâm cùng Malaysia và các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN "Bền vững và bao trùm", đoàn kết, vững mạnh, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định tại khu vực.
Trước đó, lãnh đạo cấp cao hai nước đã có các chuyến thăm và gặp gỡ, trao đổi thường xuyên, nổi bật là chuyến thăm chính thức Malaysia của Tổng Bí thư Tô Lâm (2024) và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nhân dịp dự Diễn đàn Tương lai ASEAN lần thứ 2 (tháng 2/2025). Gần đây hơn, chỉ trong vòng một tháng, Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần điện đàm với Thủ tướng Malaysia để cùng chia sẻ đánh giá về tình hình thế giới, khu vực, các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và hợp tác ASEAN.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam cho biết, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện tháng 11/2024 là sự đánh giá vững vàng nhất và cũng là sự kỳ vọng rất cao của chúng ta đối với mối quan hệ Việt Nam – Malaysia.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, năm 2025 kỷ niệm tròn một thập kỷ hình thành Cộng đồng ASEAN. Các Hội nghị lần này là dịp để các nước cùng "chiêm nghiệm" về hành trình của ASEAN, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nỗ lực cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển của khu vực, trở thành một Cộng đồng gắn kết, năng động và đầy khát vọng.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua một thời kỳ đầy biến động, chủ đề "Bao trùm và bền vững" sẽ dẫn dắt và định hướng hợp tác của ASEAN trong năm 2025, đặt trọng tâm vào thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư và tận dụng các động lực tăng trưởng mới.
Hội nghị sẽ thông qua khuôn khổ hợp tác mới cho 20 năm tới. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng 4 chiến lược về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối sẽ phát huy các thành quả đã đạt được, nâng cao năng lực và sự chủ động của ASEAN trước mọi biến động. Không chỉ thích ứng, ASEAN cần dẫn dắt. Không chỉ hành động, ASEAN cần kiến tạo. Đó chính là tinh thần chủ đạo trong các văn kiện định hướng tương lai của ASEAN.
Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, năm 2025 mang nhiều ý nghĩa đặc biệt với ASEAN. Với Việt Nam, ý nghĩa đó càng được nhân lên khi năm nay đánh dấu 30 năm chúng ta trở thành một phần của mái nhà chung ASEAN.
30 năm qua là hành trình ghi dấu một Việt Nam ngày càng trưởng thành, bản lĩnh và chủ động hơn trong tham gia ASEAN cũng như trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực. 30 năm qua cũng khẳng định ASEAN là một trụ cột quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong bài phát biểu chính sách tại Ban Thư ký ASEAN tháng 1 vừa qua: "Đứng trước khởi điểm lịch sử mới, Việt Nam và ASEAN cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng".
Trên tinh thần đó, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ tham dự các Hội nghị Cấp cao lần này với thông điệp xuyên suốt là chủ động, trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc chung của ASEAN. Việt Nam mong muốn cùng các nước thành viên định hình các định hướng chiến lược và biện pháp cụ thể để củng cố vững chắc hơn nữa nền tảng hợp tác khu vực, đồng thời nâng tầm vị thế của Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn tới.
Thời gian qua, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong quá trình xây dựng nhiều văn kiện chiến lược. Đặc biệt là gói văn kiện "ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta" sẽ được các Lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua dịp này. Ngay từ giai đoạn đầu, các bộ, ngành của Việt Nam đã tích cực tham gia đóng góp nội dung, vừa bảo đảm các nguyên tắc cốt lõi như đoàn kết nội khối, vai trò trung tâm của ASEAN, vừa đề xuất nhiều ý tưởng đổi mới, thiết thực nhằm tạo đột phá cho hợp tác trên cả ba trụ cột Cộng đồng cũng như các lĩnh vực liên ngành, liên trụ cột.
Điều này cũng được thể hiện rõ nét qua vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong việc tổ chức Diễn đàn Tương lai ASEAN năm 2024 và 2025, tạo cơ hội trao đổi rộng mở về những vấn đề thiết yếu đối với tương lai của ASEAN và khu vực, từ đó đóng góp thực chất vào việc định hình hợp tác của ASEAN đến 2045.
Với chủ đề "Bao trùm và bền vững", các Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều định hướng mới, góp phần củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng và tiếp thêm động lực cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác.
Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ cùng các nước thảo luận và thống nhất các ưu tiên hợp tác trong ba nhóm nội dung lớn sau:
Một là, tái khẳng định giá trị và sức sống của chủ nghĩa đa phương, đề cao đối thoại, xây dựng lòng tin và tôn trọng luật pháp quốc tế, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực trong bối cảnh địa chiến lược nhiều biến động.
Hai là, khởi động lộ trình mới cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hướng tới hiện thực hóa khát vọng về một ASEAN tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm.
Ba là, thúc đẩy liên kết nội khối và ngoại khối, trong đó tập trung vào mở rộng không gian hợp tác thương mại-đầu tư, phát huy hiệu quả các hiệp định đã có, đồng thời góp phần thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương công bằng, minh bạch, và dựa trên luật lệ.
Malaysia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan) và thứ 11 trên thế giới. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Malaysia trong ASEAN.
Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương hai nước đã đạt hơn 14,2 tỉ USD, tăng hơn 12% so với năm 2023.
Tính tới hết tháng 4-2025, kim ngạch thương mại song phương hai nước đã đạt hơn 4,8 tỉ USD, tương đương với cùng kỳ năm 2024.
Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore), đứng thứ 11/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 731 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 13 tỉ USD.