Theo nhiều chuyên gia, Malaysia cần "chèo lái" ASEAN vượt qua cơn bão căng thẳng thương mại gia tăng và các cuộc khủng hoảng khu vực.
Malaysia giữ chức Chủ tịch ASEAN vào thời điểm các mối đe dọa và cơ hội đan xen, với sự trở lại của ông Donald Trump với các loại thuế quan tiềm tàng, căng thẳng lên đến đỉnh điểm ở Biển Đông và xung đột ngày càng sâu sắc ở Myanmar. Tất cả những điều này đều chuẩn bị thử thách khả năng ngoại giao của Thủ tướng Anwar Ibrahim.
Kể từ khi nhậm chức vào cuối năm 2022, ông Anwar đã nỗ lực khôi phục danh tiếng toàn cầu của Malaysia sau nhiều năm hỗn loạn chính trị trong nước và chính phủ hướng nội.
Theo các nhà quan sát, chức Chủ tịch ASEAN đi kèm với những trách nhiệm mang tính biểu tượng và chiến lược như tổ chức các cuộc họp quan trọng, thiết lập chương trình nghị sự về các vấn đề then chốt bao gồm thương mại, an ninh và tranh chấp, và đóng vai trò là bộ mặt của khu vực trong ngoại giao toàn cầu.
Nhìn chung, khối này đại diện cho nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới với tổng GDP là 3,6 nghìn tỷ USD, tăng trưởng ở mức 4,5% vào năm 2024. Tuy nhiên, hiệu quả của khối vẫn bị hạn chế bởi quá trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận. Điều này có thể khiến việc giải quyết những vấn đề cấp bách nhất trở nên khó khăn.
Về mặt bên ngoài, ASEAN phải đối mặt với ông Donald Trump, người chuẩn bị trở lại Nhà Trắng trong vài ngày tới. Ông đã đe dọa áp thuế mới toàn diện đối với mọi loại hàng nhập khẩu, không chỉ từ Trung Quốc, một động thái có thể gây chấn động khắp các nền kinh tế Đông Nam Á.
Bản chất mang tính giao dịch trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump được dự đoán sẽ tiếp tục, với các khoản đầu tư và hỗ trợ quốc phòng sẽ được đặt lên bàn cân đối với bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào mà chính quyền có quan điểm cứng rắn của ông cho rằng không phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đã thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Tuy nhiên, lần này, các cuộc chiến thương mại của ông Trump dự kiến sẽ nhắm vào toàn bộ khu vực, có khả năng loại bỏ những lợi thế đã biến ASEAN trở thành "thỏi nam châm" thu hút chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Trong đầu nhiệm kỳ II, ông Trump có thể sẽ áp đặt mức thuế quan mới trên diện rộng. Rõ ràng Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ là mục tiêu hàng đầu”, Kurt Tong, cựu Đại sứ Hoa Kỳ về Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương cảnh báo trong báo cáo của tổ chức tư vấn Hinrich Foundation.
Nhưng vẫn có những cơ hội trong bối cảnh bất ổn. Khi Hoa Kỳ dường như quyết tâm rút lui khỏi các cam kết mang tính bền vững về môi trường, Trung Quốc có thể nổi lên như một quốc gia dẫn đầu không thể tranh cãi về công nghệ xanh, tạo ra tiềm năng để ASEAN tăng cường quan hệ với Bắc Kinh.
Theo Azizul Amiludin, một nhà kinh tế và giảng viên cao cấp tại Universiti Malaya: “Các nước ASEAN có thể hưởng lợi từ công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là trong sản xuất xe cộ, năng lượng và thực phẩm”.
Cuộc khủng hoảng nội bộ lớn nhất của ASEAN vẫn là Myanmar, quốc gia này vẫn đang kẹt trong vòng xoáy nội chiến gần bốn năm sau khi chính quyền quân sự nắm quyền với nhiều hệ luỵ. Giờ đây, giới quan sát đang đổ dồn sự chú ý vào chính quyền của ông Anwar, đặc biệt là Đặc phái viên mới được bổ nhiệm tại Myanmar Othman Hashim để xem liệu chính quyền này sẽ thúc đẩy lập trường mạnh mẽ hơn hay quay trở lại chế độ ngoại giao thận trọng mặc định của ASEAN.
Một vấn đề "nóng" khác trong khu vực là Biển Đông, nơi lập trường ngày càng hung hăng của Trung Quốc đã chia rẽ các thành viên ASEAN thành các phe đối lập.
Các chuyên gia nhận định, hiện Malaysia có kế hoạch sử dụng chức Chủ tịch ASEAN để thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Điều này được Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamed Khaled Nordin cho biết trong cuộc họp với Đại sứ Trung Quốc Ouyang Yujing vào tháng 11 năm ngoái. Khung thỏa thuận này được thiết kế để ngăn ngừa xung đột, nhưng nhiều năm đàm phán đã không đạt được nhiều tiến triển.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế đã lên tiếng hoài nghi về việc gia nhập BRICS. Chuyên gia Doris Liew từ Viện Dân chủ và Kinh tế (IDEAS) Malaysia đánh giá, khối BRICS có thể cung cấp cho các quốc gia thành viên ASEAN đòn bẩy trong các cuộc đàm phán quốc tế, chẳng hạn như những cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu về lệnh cấm dầu cọ do lo ngại về nạn phá rừng. Tuy nhiên, ASEAN cần cân bằng lợi ích địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.
Về phần mình, ông Anwar đã thúc đẩy ASEAN trở thành một nhân tố quốc tế quan trọng hơn, có ảnh hưởng đến các vấn đề toàn cầu. Tham vọng của Đông Nam Á đã vượt ra ngoài biên giới của mình, phấn đấu trở thành một lực lượng tạo ra sự thay đổi tích cực trên trường quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đó, Malaysia đặt mục tiêu tăng cường sự tham gia với BRICS, cũng như các đối tác bên ngoài của ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand như một tín hiệu cho thấy ý định mở rộng mạng lưới kinh tế và chiến lược của khối.
Nhiệm vụ của ông Anwar sẽ trở nên khó khăn hơn bởi nguyên tắc "trung tâm" của ASEAN. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra, chỉ có một ASEAN gắn kết, thống nhất và được củng cố về mặt thể chế mới có thể thực sự trở thành "trung tâm" trong một trật tự toàn cầu mới nổi đang bị chia cắt và mang tính giao dịch.