Đối ngoại

"Phép thử" ngoại giao cho Malaysia

Cẩm Anh 03/09/2024 03:00

Có rất nhiều thách thức đặt ra cho Malaysia khi quốc gia này giữ chức Chủ tịch ASEAN vào năm tới.

untitled.jpg
Các Bộ trưởng Ngoại giao chụp ảnh tập thể tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 25 tại Viêng Chăn, Lào, vào tháng 7. Ảnh: AP

Giới quan sát nhận định, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Malaysia vào năm 2025 sẽ thử thách các kỹ năng ngoại giao của nước này, khi lập trường của Malaysia về xung đột Israel-Hamas ở dải Gaza đang thay đổi và việc nước này tăng cường quan hệ với Trung Quốc có thể thách thức sự thống nhất của khối.

Ông Thomas Daniel, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Malaysia cho biết sẽ có nhiều vấn đề khó khăn nảy sinh trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN sắp tới của Malaysia.

"Malaysia sẽ cần phải có sự khéo léo và chủ động trong ngoại giao để xử lý các vấn đề này, nhằm thúc đẩy tiến bộ, tránh mọi sự thụt lùi và nhấn mạnh lợi ích cũng như sự đoàn kết của ASEAN," ông nói với tờ This Week in Asia.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã bày tỏ sự tự tin vào khả năng của nước này trong việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN. Đồng thời, Bộ trưởng Ngoại giao Mohamad Hasan nêu rõ ba trụ cột trong vai trò Chủ tịch ASEAN của Malaysia là an ninh và chính trị; kinh tế; và văn hóa-xã hội.

Tổng giá trị thương mại song phương giữa ASEAN và Trung Đông đạt hơn 126 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023. ẢNH: REUTERS
Có nhiều thách thức cho Malaysia khi quốc gia này đảm nhận chức vụ Chủ tịch khối ASEAN trong năm 2025 ẢNH: REUTERS

Nhưng mối lo ngại đang gia tăng về sự gắn kết của khối trong bối cảnh khu vực này đang phải giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar và các tranh chấp ở Biển Đông.

Bà Joanne Lin Weiling, cộng tác viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore đã lưu ý đến vai trò truyền thống của Malaysia trong việc thúc đẩy ngoại giao khu vực.

"Cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza đã khiến Malaysia chuyển hướng tập trung nhiều hơn sang khu vực Trung Đông, đồng thời áp dụng lập trường thận trọng hơn đối với Mỹ và các đồng minh khác của Israel", bà Joanne Lin Weiling cho biết và nhấn mạnh sự thay đổi này đi kèm với mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và sự quan tâm đến khối BRICS.

Đơn xin gia nhập BRICS của Malaysia đã được Bắc Kinh hoan nghênh và cho biết họ đang tìm kiếm "những đối tác có cùng chí hướng".

“Những thay đổi trong ưu tiên chiến lược này có thể ảnh hưởng đến cách tiếp cận của Malaysia đối với các vấn đề lớn trong khu vực”, bà Lin nhận định và cho biết thêm rằng Malaysia có thể ưu tiên hợp tác với Trung Đông và thúc đẩy lập trường mạnh mẽ hơn trong các vấn đề liên quan trong ASEAN.

Thông qua những ưu tiên như vậy, Thủ tướng Anwar sẽ có thể tận dụng các nền tảng khu vực để nâng cao vị thế trong nước của mình. Malaysia có thể sẽ hoan nghênh các sáng kiến ​​với Trung Quốc và các thành viên BRICS.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc Malaysia giữ chức Chủ tịch ASEAN sẽ không làm thay đổi đáng kể mối quan hệ của ASEAN với Mỹ hoặc phương Tây, do các quyết định trong khối dựa trên sự đồng thuận giữa các thành viên.

Bên cạnh đó, Malaysia cũng có lợi ích chung trong việc đẩy nhanh các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông. Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn đã công bố kế hoạch nhằm đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Trung Quốc, hướng tới một bộ quy tắc nhằm giảm thiểu rủi ro xung đột ở vùng biển này vào năm 2026.

Dedi Dinarto, một cộng sự tại công ty tư vấn chiến lược Global Counsel, cho biết việc Malaysia thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc có thể cản trở khả năng của nước này trong việc ủng hộ một lập trường mạnh mẽ trong khu vực về xung đột Biển Đông.

Sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đến Malaysia vào tháng 6/2024, Thủ tướng Anwar đã gọi Trung Quốc là một "người bạn thực sự", trong khi ông Lý Cường ca ngợi mối quan hệ này như một hình mẫu cho quan hệ song phương trong khu vực.

“Nhìn chung, khả năng lãnh đạo của Malaysia sẽ bị thử thách khi họ điều hướng giữa việc theo đuổi lợi ích quốc gia và hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm tới”, Dinarto cho biết.

Joshua Kurlantzick, thành viên cấp cao về Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại Mỹ lưu ý rằng, bối cảnh chính trị trong nước đầy thách thức của ông Anwar có thể làm suy yếu hiệu quả chính sách đối ngoại trong ASEAN.

Ông Anwar đang phải đối mặt với những thách thức trong nước bao gồm tăng cường thu hút đầu tư, thực hiện cải cách kinh tế và giải quyết các vấn đề tham nhũng tồn tại lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Phép thử" ngoại giao cho Malaysia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO