Kinh tế thế giới

Malaysia sẽ thúc đẩy điều gì với tư cách Chủ tịch ASEAN?

Cẩm Anh 12/10/2024 11:07

Các nhà phân tích cho biết, có nhiều điểm đáng chú ý về định hướng ngoại giao của ASEAN khi Malaysia đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch của khối.

a.jpg
Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Viêng Chăn, Lào vào ngày 9 tháng 10 năm 2024. Ảnh: CNA

Khi Malaysia chuẩn bị tiếp nhận chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2025, các chuyên gia dự đoán, sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của nước này trong việc thân thiện với Trung Quốc và Nga có thể thúc đẩy việc hợp tác tích cực hơn giữa khu vực và các quốc gia này.

Dưới sự dẫn dắt của Malaysia, các chuyên gia cũng kỳ vọng ASEAN sẽ có hành động mạnh mẽ hơn đối với cuộc khủng hoảng ở Myanmar cũng như vấn đề ở Biển Đông.

Cụ thể, chính sách đối ngoại mới của Malaysia nhằm xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS và lập trường ủng hộ Palestine mạnh mẽ của nước này trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Gaza có thể thử thách sự đoàn kết giữa các nước thành viên ASEAN.

Malaysia có thể sẽ muốn duy trì sự trung lập của ASEAN và đảm bảo rằng mối quan hệ của nước này với các cường quốc vẫn cân bằng. Nhưng đồng thời, quốc gia này có thể sẽ sử dụng chức Chủ tịch ASEAN như một nền tảng để thúc đẩy các mục tiêu của Malaysia như xây dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo BRICS và tiếp tục lên tiếng về cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông.

Theo Tiến sĩ Azmi Hassan, thành viên cấp cao tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược Nusantara:"Chức Chủ tịch ASEAN của Malaysia sẽ là phép thử cho các kỹ năng ngoại giao của nước này và có khả năng sẽ thúc đẩy ASEAN hợp tác với những nước như Trung Quốc và Nga, cùng với Mỹ và phương Tây".

"Malaysia sẽ muốn định vị ASEAN trở nên trung lập hơn, có nghĩa là có khả năng thúc đẩy khối này đối thoại với các quốc gia khác như BRICS. Bên cạnh đó, Malaysia sẽ chủ động và không muốn ASEAN bị gạt ra ngoài lề trong việc xây dựng mối quan hệ với các siêu cường toàn cầu ở mọi khu vực", Tiến sĩ Azmi cho biết.

Điều này được thể hiện rõ trong bài phát biểu tại Diễn đàn Khazanah Megatrends 2024 tại Kuala Lumpur mới đây, Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh: "Chúng tôi có thể vượt ra ngoài ASEAN, khi tìm kiếm quan hệ đối tác với BRICS, điều này sẽ làm sâu sắc thêm các mối quan hệ Đông Nam Á-Nam toàn cầu".

Bà Joanne Lin, Chuyên gia chính sách đối ngoại kiêm Điều phối viên của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore nói với CNA rằng các diễn biến toàn cầu, đặc biệt là cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza, đã thúc đẩy Malaysia điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của mình.

"Sự thay đổi này bao gồm lập trường thận trọng hơn đối với Mỹ và các đồng minh khác của Israel", bà Joanne Lin lưu ý. Đồng thời, Malaysia đã tăng cường quan hệ với Trung Quốc, thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với các nhóm do Trung Quốc lãnh đạo như BRICS. Mối quan hệ chặt chẽ hơn với các thành viên BRICS như Nga báo hiệu tham vọng lớn hơn của Malaysia nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào các tổ chức tài chính do phương Tây lãnh đạo và tạo ra mối liên hệ sâu sắc hơn với Nam Bán cầu, bao gồm các quốc gia ở Trung Đông.

Bà Lin cho biết thêm: "Sự liên kết ngày càng tăng của Malaysia với Trung Quốc và các nước BRICS, bao gồm Nga và Ấn Độ, có thể chuyển thành sự tham gia tích cực hơn vào các sáng kiến ​​kinh tế và ngoại giao do các quốc gia này lãnh đạo".

Cụ thể, Malaysia có thể thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn giữa ASEAN và Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), và tổ chức hội nghị thượng đỉnh ASEAN-GCC để củng cố vị thế trong nước và tầm ảnh hưởng trong khu vực của ông Putrajaya.

Tuy nhiên, cũng cần nói rằng Malaysia, với vai trò Chủ tịch ASEAN, có giới hạn trong việc định hướng cho ASEAN. Bất chấp những thay đổi này, chức Chủ tịch ASEAN của Malaysia khó có thể thay đổi hoàn toàn mối quan hệ rộng hơn của ASEAN với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác. Quyết định dựa trên sự đồng thuận của ASEAN đảm bảo rằng ảnh hưởng của Chủ tịch ASEAN, mặc dù quan trọng, nhưng không phải là đơn phương.

Tiến sĩ Abdul Rahman Yaacob, nghiên cứu viên tại Chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy ở Sydney cho biết Malaysia chỉ đơn giản là mở rộng không gian ngoại giao của mình bằng cách tìm cách gia nhập BRICS và giống như các quốc gia khác trong khu vực, sẵn sàng hợp tác với các nước như Trung Quốc, Nga và phương Tây.

"Nhiều quan chức Đông Nam Á đều hiểu và chấp nhận cách tiếp cận của Malaysia đối với chính sách đối ngoại của mình, rằng Malaysia có quyền có quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc. Đó là nền tảng của ASEAN, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác,” Tiến sĩ Abdul Rahman cho biết.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Lào, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã nêu rõ cam kết của khối về vai trò trung tâm và kêu gọi các quốc gia thành viên đoàn kết trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị trên toàn thế giới.

“Khi căng thẳng toàn cầu tiếp tục gia tăng và sự phân cực dường như đang lấn át sự hội nhập, các vết nứt và chia rẽ trong ASEAN có nguy cơ bị khai thác gây tổn hại đến vai trò trung tâm và sự gắn kết của ASEAN,” ông Anwar cho biết.

b.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Nga. Ảnh: AP

Ông Anwar cho biết ASEAN phải gửi thông điệp rõ ràng tới thế giới rằng khối sẽ vẫn đoàn kết và tiếp tục là động lực chính của hòa bình, an ninh và hợp tác trong khu vực.

Dưới sự chủ trì của Malaysia, ASEAN cũng có thể chứng minh rằng họ có đủ vị thế để bảo vệ lợi ích cốt lõi của mình ở Châu Á - Thái Bình Dương và đảm bảo vẫn có sự kết nối trong dài hạn.

Ông Joshua Kurlantzick, thành viên cấp cao phụ trách Đông Nam Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại tại Hoa Kỳ dự đoán ASEAN sẽ không có nhiều tiến triển trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar hoặc các tranh chấp ở Biển Đông, có thể là do lợi ích khác nhau giữa các quốc gia thành viên. Nhưng khối có thể đạt được tiến triển trên các lĩnh vực khác.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Malaysia có thể ưu tiên thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Vì RCEP có khả năng định vị ASEAN là trung tâm cho tăng trưởng và hợp tác khu vực.

Nhiều ý kiến kỳ vọng Malaysia sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về Hiệp định Khung Kinh tế Kỹ thuật số của ASEAN để thúc đẩy hợp tác kỹ thuật số và bổ sung thêm 2 nghìn tỷ đô la Mỹ vào nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực vào năm 2030.

Mặc dù ông Anwar có thể sẽ sử dụng nền tảng ASEAN để khuếch đại các ưu tiên chính sách đối ngoại của Malaysia như ủng hộ hợp tác Nam-Nam và tăng cường quan hệ với các cường quốc mới nổi, nhưng ông sẽ cam kết đối với vai trò trung tâm của ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Malaysia sẽ thúc đẩy điều gì với tư cách Chủ tịch ASEAN?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO