Chính trị

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: “Hai bên cùng thắng” là mục tiêu cao nhất

Nguyễn Việt 14/10/2024 06:03

Trong bất kỳ quan hệ hợp tác nào, đôi bên cùng có lợi, "hai bên cùng thắng", "rủi ro cùng chia sẻ" thì mới có thể bền vững và luôn là mục tiêu cao nhất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường với chủ đề "Tăng cường hợp tác cùng có lợi, chung tay kiến tạo tương lai", chiều 13/10.

chính 1
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại của Việt Nam. Trong đó, hợp tác phát triển kinh tế bền vững là một trong những yếu tố then chốt.

“Thời gian qua, nền tảng xã hội trong quan hệ hợp tác hai nước tốt hơn, tin cậy lẫn nhau ngày càng cao hơn, tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại, doanh nghiệp hai nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ kinh tế chưa tương xứng với tầm vóc của quan hệ chính trị-xã hội tốt đẹp giữa hai nước, nhất là những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh có thể bổ sung, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau phát triển.

"Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối hai nền kinh tế, mà một trong những trọng tâm là kết nối doanh nghiệp", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Để làm được điều này, Chính phủ hai nước cần phải thúc đẩy hơn kết nối thể chế, kết nối hạ tầng chiến lược, kết nối quản trị thông minh và chuyển giao công nghệ, kết nối đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Kết nối về vốn, tập trung vào các ngành nghề mới nổi, kết nối thanh toán, nhất là hợp tác thanh toán bằng đồng bản tệ, kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị…

"Chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp chủ động, tích cực kết nối, hợp tác với nhau trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.

Vẫn theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam đã góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng và là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước.

“Tuy nhiên, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc còn chưa xứng tầm với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, với tiềm năng của các doanh nghiệp Trung Quốc và tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh giữa hai nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

Từ đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp hai nước lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để vươn lên, lấy "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" làm nền tảng, góp phần giúp hai nước nâng tầm gắn kết kinh tế ngang tầm về gắn kết về địa lý, lịch sử và quan hệ chính trị-xã hội tốt đẹp hiện nay.

cường 1
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Góp phần đưa giúp hai nước bay cao, bay xa trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên kinh tế xanh, kỷ nguyên kinh tế tuần hoàn, kỷ nguyên của phát triển lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị doanh nghiệp hai nước tích cực hợp tác, trao đổi để tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hai nước để tháo gỡ rào cản sản xuất, kinh doanh, thương mại, cải thiện môi trường đầu tư; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.

Xây dựng và triển khai các dự án hợp tác cụ thể trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác song phương đã thiết lập, các cơ chế hợp tác đa phương hai bên cùng tham gia.

Tiếp tục đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, kết nối chiến lược trên các lĩnh vực, trong đó có kết nối hạ tầng giao thông, kết nối thương mại, đầu tư, kết nối chuỗi sản xuất, cung ứng.

Đẩy mạnh hợp tác triển khai các dự án đường sắt kết nối Việt Nam - Trung Quốc, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại, lâu dài, bền vững.

Tăng cường hơn nữa đầu tư tại Việt Nam, nhất là các dự án lớn, tiêu biểu trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh về công nghệ cao, chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật…

Xây dựng hạ tầng giao thông, công nghiệp luyện kim, y tế, giáo dục, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, hệ sinh thái xe điện và pin xe tích điện… chú trọng đầu tư cho kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc, tiếp tục tạo thuận lợi cho tăng cường thương mại song phương, mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam.

trao đổi
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Thủ tướng Lý Cường - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chia sẻ tại toạ đàm, Thủ tướng Lý Cường bày tỏ tâm đắc, được động viên, khuyến khích với ý kiến phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính và hoàn toàn nhất trí về sự ủng hộ mạnh mẽ của hai Chính phủ đối với doanh nghiệp hai nước.

“Chính phủ Trung Quốc và các bộ, ngành sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến tại tọa đàm để doanh nghiệp hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực”, Thủ tướng Lý Cường nói.

Trong đó, hợp tác kinh tế, thương mại luôn là điểm nhấn của hợp tác hai nước, cũng là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước. Trong lĩnh vực này, Trung Quốc - Việt Nam luôn kiên định thúc đẩy hợp tác, thể hiện sức mạnh nội sinh to lớn của mỗi bên. Nhìn về tương lai, hợp tác kinh tế giữa hai nước còn nhiều dư địa khai thác, nhiều tiềm năng để không ngừng phát triển.

Thời gian tới, Thủ tướng Lý Cường đề nghị hai bên tiếp tục quan tâm các phương diện trọng điểm trong hợp tác kinh tế, cụ thể là tiếp tục kết nối chiến lược phát triển, kết nối liên thông giữa hai nước, tăng cường kết nối giữa Khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với Sáng kiến "Vành đai và Con đường".

Kiên trì mở cửa cho nhau, thúc đẩy liên kết thị trường, hợp tác kinh tế xuyên biên giới, tích cực kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy đi lại, giao lưu nhân dân, không ngừng củng cố, phát huy các thế mạnh bổ sung cho nhau, cùng nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như điện gió, điện mặt trời, xe điện…

Theo thông tin tại tọa đàm, trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng hơn 4 lần. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN.

Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD, 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 150 tỷ USD, tăng 22%, nếu tính cả tiểu ngạch thì con số này còn cao hơn nhiều.

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6/148 của Việt Nam. Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư mới ở Việt Nam trong hai năm vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc: “Hai bên cùng thắng” là mục tiêu cao nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO