Thành lập vào thập niên 70, "Dollar dầu mỏ" (petrodollar) đã bảo đảm tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với thị trường dầu gần 50 năm qua. Nhưng quyền lực này bắt đầu bị đe dọa.
Sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương của Mỹ đã làm dấy lên mối lo ngại về việc dựa vào đồng bạc xanh để chi phối thị trường dầu mỏ thế giới.
Nước Mỹ mở màn
Vào năm 1941, tại khách sạn Mount Washington ở New Hampshire. Cuộc tụ họp lịch sử bao gồm 730 đại biểu từ 44 quốc gia đồng minh đã cho ra đời một thỏa thuận mang tên “Bretton Woods”.
Theo đó, về cơ bản, tất cả các loại tiền tệ được gắn liền với đồng dollar Mỹ và được chốt lãi suất cố định với vàng.Tức là đồng dollar Mỹ hoàn toàn chuyển đổi thành vàng với lãi suất cố định là 35 dollar một ounce trong cộng đồng kinh tế toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
11:29, 10/11/2018
04:30, 03/08/2018
17:22, 13/07/2018
Bretton Woods đã cung cấp một lối thoát hiểm: Theo đó, nếu một quốc gia cụ thể không còn cảm thấy thoải mái với đồng dollar, họ có thể dễ dàng chuyển đổi đồng dollar của họ thành vàng.
Và năm 1971 các quốc gia đã nhận thấysự mất cân bằng về dự trữ vàng của Mỹ đối với mức nợ của nước này, bằng Bretton Woods - họ yêu cầu Mỹ chuyển đổi đồng dollar thành vàng.
Tình hình đã khiến Mỹ mắc kẹt, buộc phải cung cấp tiền thật (vàng) để đổi lấy dòng tiền giấy giả (tờ dollas).
Mỹ đã "chảy máu" vàng, và Washington biết hệ thống “dollar cho vàng” theo Bretton Woods không còn khả thi nên xóa bỏ bằng tuyên bố “đóng cửa sổ vàng” để thiết lập một hệ thống tiền tệ mới: Petrodollar hay “Dollar cho dầu” tồn tại cho đến nay.
Petrodollar hay “dollar cho dầu” có nghĩa là tất cả các quốc gia mua dầu đều phải sử dụng bằng tiền dollar. Đơn giản là vậy nhưng đã đưa đồng dollar và Mỹ lên địa vị thống trị tài chính thế giới.
Có thể nói, mọi hoạt động quân sự, chính trị, ngoại giao của Mỹ cũng đều phục vụ cho quyền thống trị của đồng dollar, để giữ vững hệ thống Petrodollar - là một công cụ sắc bén nhất để bảo vệ vị trí bá quyền thế giới của Mỹ.
Trung Quốc xây dựng đối trọng
Sự độc quyền của đồng dollar Mỹ như một phương tiện trong giao dịch dầu thô trên toàn thế giới đang ngày càng bị thách thức bởi sự trỗi dậy của các loại tiền tệ khác.
Trung Quốc, vốn đang trong vòng xoáy của cuộc chiến thương mại với Mỹ, đang mở rộng tầm ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ (CNY) trong các giao dịch dầu.
Nhận thức về rủi ro nói trên xuất phát từ sự phụ thuộc nặng nề vào đồng dollar đang gia tăng khi chính phủ Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, kể cả đối với hoạt động xuất khẩu dầu của nước này.
Chính phủ Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua đã chính thức có giao dịch dầu đầu tiên bằng đồng CNY tại Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải. Việc này đã củng cố sự hiện diện của tiền tệ Trung Quốc tại các thị trường dầu thô.
Khối lượng giao dịch hàng ngày trên sàn giao dịch Thượng Hải luôn duy trì quanh ngưỡng 500.000 lượt/ngày trong tháng 12 vừa qua - với mỗi giao dịch tương đương 1.000 thùng dầu thô. Con số này đã tăng gấp đôi trong sáu tháng qua.
Khối lượng giao dịch của dầu thô bằng đồng CNY của Thượng Hải đã vượt qua các đối thủ trên Sàn giao dịch Dubai Mercantile, thậm chí đôi khi tiệm cận với Sàn giao dịch Biển Bắc Brent – vốn được coi là trung tâm của các giao dịch dầu thô quốc tế.
Nhu cầu dầu tăng mạnh ở Trung Quốc là nguyên nhân chính thúc đẩy chính phủ của ông Tập Cận Bình nỗ lực đưa đồng CNY vào giao dịch dầu mỏ.
Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới năm 2017 và tỷ lệ này đã tăng 8% trong 10 tháng đầu năm 2018.
Với việc xây dựng các nhà máy lọc dầu mới và mở rộng công suất, giới chuyên gia ở Trung Quốc đã dự báo rằng, công suất lọc dầu của quốc gia sẽ tăng 8% trong năm 2019.
Xây dựng một đế chế mới mang tên Petroyuan (Nhân dân tệ dầu mỏ) nhằm thay thế cho Petrodollar, được xem là nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thiết lập công cụ để chống lại quyền bá chủ của đồng dollar Mỹ trên thị trường dầu mỏ.
Hồi tháng 5/2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, kêu gọi các nước khác cắt giảm nhập khẩu dầu của Iran về 0.
Tuy nhiên, tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng không khiến Bắc Kinh nao núng, thậm chí Trung Quốc chuẩn bị tiếp tục nhập khẩu dầu từ Iran.
"Là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu từ quốc gia này bằng đồng CNY và có thể chống lại sự biến động giá cả trên thị trường Thượng Hải", chuyên gia kinh tế trưởng của Tập đoàn Dầu khí và Kim loại Nhật Bản – ông Takayuki Nogami nhận định
Nếu việc sử dụng đồng CNY để thanh toán giao dịch giao ngay tăng, nhu cầu giao dịch tương lai bằng tiền Trung Quốc sẽ tăng lên như một phương tiện để chống lại biến động giá.
Nga đang toan tính gì?
Việc lật đổ petrodollar không phải là ý tưởng mới mẻ gì, khi trật tự này đã tồn tại hơn 40 năm qua. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thì Trung Quốc và Nga rất tích cực trong vấn đề lật đổ đồng dollar khỏi vị trí là đồng tiền dự trữ chung của thế giới.
Saudi Arabia đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đế chế petrodollar do trụ sở chính của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đặt tại quốc gia này. Chỉ cần Riyahd chuyển sang dùng CNY trong giao dịch dầu thì các nước còn lại trong tổ chức xuất khẩu dầu sẽ làm theo.
Bên cạnh Trung Quốc, Nga cũng quyết tâm thực hiện một thị trường mua bán dầu phi dollar. Moscow đã cho thấy những nỗ lực tích cực để giảm sự phụ thuộc vào petrodollar bằng việc chấp nhận thanh toán một phần bằng CNY đối với hoạt động xuất khẩu dầu sang Trung Quốc.
Một trong những lý do cho động thái này của ông Putin là do Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với tập đoàn dầu khí nhà nước Nga Rosneft và các công ty năng lượng khác, khiến họ gặp khó khăn trong việc thanh toán bằng đồng USD..
"Nóng" ở Liên minh kinh tế Á-Âu
Trong một diễn biến khác, Liên minh Á-Âu - một liên minh kinh tế liên lục địa bao gồm Kazakhstan và các quốc gia thành viên cũ khác của Liên Xô có kế hoạch thiết lập thị trường năng lượng chung.
Tại hội nghị của liên minh vào tháng 12/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Chúng tôi đã phê duyệt các chương trình quy mô lớn để hình thành thị trường chung cho các sản phẩm khí đốt và dầu mỏ.".
Tổng thống Nga cũng tiết lộ kế hoạch sử dụng đồng rúp Nga để giao dịch thanh toán giữa các quốc gia thành viên.
EU cũng bắt đầu nhận thức được những rủi ro của việc phụ thuộc nặng nề vào petrodollar. Cuối tháng trước, Ủy ban châu Âu đã tuyên bố ý định về việc tạo ra một chuẩn mực giao dịch bằng đồng euro đối với dầu thô.
Tất nhiên, Mỹ cũng sẽ không ngồi yên nhìn đế chế petrodollar mà họ tạo dựng bị lung lay rồi sụp đổ. Chỉ có điều, từ những gì đã xảy ra trong lịch sử, thế giới có lẽ sẽ phải chứng kiến thêm nhiều bất ổn nữa.