Mặc dù đã có những hành lang pháp lý chặt chẽ, thế nhưng, liên tiếp trong thời gian qua, hàng loạt những vụ nổ bình gas xảy ra, đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý…
Gas – hay còn gọi là khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), được quy định quản lý về kinh doanh khí tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 và quản lý, đo lường, chất lượng tại Thông tư số 20/2019/TT-BKHCN ngày 10/12/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ, tuy nhiên, tình trạng báo động nguy cơ mất an toàn khi sử dụng sản phẩm này, ngày một phổ biến. Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, liên tiếp hàng loạt các vụ nổ bình gas đã xảy ra, khiến dư luận hoài nghi về công tác quản lý có đang bị buông lỏng?
Theo thống kê, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, trong tháng 5/2020 đã xảy ra 3 vụ nổ liên quan đến rò rỉ khí gas, mỗi vụ việc chỉ cách nhau chưa đến một tuần, dẫn đến nhiều hậu quả và hệ lụy khôn lường, từ kinh tế cho đến việc đe dọa tính mạng con người.
Đầu tiên là vụ nổ xảy ra vào ngày 8/5/2020, tại phường Mỹ Đình I (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do sang, chiết gas trái phép, vụ nổ không chỉ gây thiệt hại toàn bộ khu xưởng mà còn lan rộng ra các nhà dân xung quanh; mạng lưới điện và viễn thông bị hư hỏng nặng.
Tiếp đến, ngày 11/5/2020, một vụ nổ nữa lại tiếp tục xảy ra ở cửa hàng gà rán Bonchon 32, tọa lạc tại số 32 phố Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khiến 3 người bị thương nặng và ảnh hưởng trực tiếp đến 7 hộ dân sinh sống xung quanh khu vực.
Chưa được bao lâu, ngày 16/5/2020, tại nhà hàng Sushi Việt, địa chỉ số 211 phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), bình gas trong bếp tại nhà hàng này phát nổ, gây ra nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất, bếp, bàn ghế, nguyên liệu,…
Theo các chuyên gia, một bình gas được cho là an toàn, phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và kiểm định an toàn chất lượng, đối với bình gas đã lưu thông, phải giữ nguyên thiết kế, màu sắc ban đầu khi kiểm định. Tối đa trong thời gian 5 năm, bình gas phải được tái kiểm và cấp giấy đủ điều kiện an toàn, doanh nghiệp sản xuất bình gas phải lưu trữ đầy đủ hồ sơ của bình gas để theo dõi “vòng đời” vận hành của sản phẩm.
Theo đó, hầu hết nguyên nhân các vụ cháy nổ bình gas xảy ra, cơ quan điều tra đều xác định, có nhiều yếu tố dẫn đến hiện trạng cháy nổ bình gas xảy ra như, gas bị rò rỉ ở điểm nối giữa bình gas và van; rò rỉ do van gas hoặc dây dẫn gas kém chất lượng... trong khi, vòng tuần hoàn của các vỏ bình đựng gas đều được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sang chiết tái sử dụng nhiều lần.
Vậy, sau mỗi vụ việc xảy ra, ai là người chịu trách nhiệm? Các cơ sở sang chiết, kinh doanh gas giữ vai trò gì? Những quy định về đo lường, chất lượng và quản lý kinh doanh khí có được thực thi?
Trong 3 vụ việc đã nêu trước đó, ngoài vụ cháy nổ xảy ra tại cơ sở sang chiết gas lậu thì hai vụ việc còn đều có đơn vị cung ứng sản phẩm gas rõ ràng, đơn cử như vụ cháy nổ bình gas xảy ra tại cửa hàng Sushi Việt, địa chỉ số 211 phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 16/5/2020, đơn vị cung ứng gas là Công ty TNHH Đầu tư Dầu khí Hà Nội (HANOI PETRO), có địa chỉ tại số 96 Lò Đúc, Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Liệu, sau khi vụ việc xảy ra, chất lượng của các bình gas do đơn vị này sản xuất, phân phối có được kiểm tra?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm