Xoay quanh đề xuất của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu mới đây, các chuyên gia cho rằng, bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là đề xuất phù hợp, cần sớm thực hiện…
>> Quản lý thị trường xăng dầu: Không thể để doanh nghiệp bán lẻ ký với nhiều đầu mối
Theo đó, trong văn bản khẩn gửi Bộ Công Thương và các ban ngành, địa phương kiến nghị tháo gỡ nhiều vấn đề bất cập trong kinh doanh xăng dầu của tập thể 25 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu mới đây, hàng loạt câu hỏi đã được đưa ra, đặc biệt xoay quanh hoạt động của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, các doanh nghiệp cho rằng: Tại sao phải trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu? Trích Quỹ bình ổn kỳ này có đúng mục đích Chính phủ đề ra không và có phục vụ tốt cho xã hội chưa?
Từ đó, các doanh nghiệp đề xuất Nhà nước nên bỏ trích Quỹ bình ổn, hỗ trợ cho nền kinh tế bằng cách bỏ ra số vốn nhất định nhập khẩu phần xăng dầu để duy trì an ninh năng lượng quốc gia phân bố cho các kho đầu mối lưu giữ (không được thâm hụt khi chưa được phép của Chính phủ) để tránh trường hợp các đầu mối thấy giá xăng dầu thế giới xuống thì không nhập hàng, khiến chuỗi cung ứng ra thị trường xảy ra cảnh “hết xăng, ghìm hàng” như hiện nay.
Thực tế, câu chuyện bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải câu chuyện mới, mà trước đó, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, người tiêu dùng đều đề xuất nên bỏ hẳn Quỹ bình ổn này bởi vận hành cũng như không vì đã “hết phép”.
Và tại Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) mới đây, Bộ Tài chính cũng đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá, để xăng dầu được điều tiết theo giá thị trường và cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để “khai tử” Quỹ này.
Một số ý kiến cho hay, với những biến động giá cả, đặc biệt từ tháng 3 đến nay, khi xung đột giữa Nga - Ukraine bùng nổ, giá xăng dầu biến động khôn lường và không có quỹ nào có thể “cứu” được. Chưa kể trong cơn “bão giá” đã bộc lộ ra nhiều vấn đề, đó là người dân và doanh nghiệp lao đao vì giá xăng đắt đỏ thì nhiều doanh nghiệp ngành xăng dầu bỏ túi khoản lợi nhuận rất lớn. Điều đó cho thấy doanh nghiệp đầu mối lớn vẫn được “bảo vệ” bởi chính sách quản lý xăng dầu của Nhà nước thông qua Quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức, chi phí định mức,…
“Chính sách điều hành xăng dầu của chúng ta đang lo cho những nhà đầu mối nhập khẩu thua lỗ mà bỏ quên các đại lý, những cửa hàng bán lẻ tư nhân như chúng tôi. Đã kinh doanh thì các loại hình kinh tế đều phải được bình đẳng như nhau. Quỹ bình ổn giá không có lợi cho người tiêu dùng, không có lợi cho nhà kinh doanh bán lẻ, không có lợi cho nền kinh tế, vậy chúng ta duy trì để làm gì?”, đại diện một trong 25 doanh nghiệp chia sẻ.
>> Quản lý thị trường xăng dầu: Cần xây dựng cơ chế giá trần
Theo các chuyên gia, trên thực tế nếu có phát sinh trường hợp bình ổn giá, việc áp dụng theo biện pháp vận hành của Quỹ bình ổn giá hiện nay là không khả thi vì việc lập quỹ phải trên cơ sở đề án trích lập, quản lý sử dụng là một quy trình phức tạp, không đáp ứng được tính kịp thời, phải triển khai ngay trong bình ổn giá.
Thông tin với báo chí, ông Đậu Anh Tuấn – Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Việt Nam là hình thức người dân nộp tiền trước để được bình ổn giá cho mình. Tức là người dùng ứng trước tiền, hay còn gọi là trích cho quỹ, rồi tại kỳ điều hành giá lần sau, nếu giá xăng dầu tăng mạnh, nhà quản lý lại lấy tiền đó trả lại cho người mua xăng dầu, hay gọi là chi sử dụng quỹ.
“Cách làm này thoạt nghe có lợi cho người tiêu dùng, nhưng rõ ràng nó không khiến xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường một cách minh bạch. Trong khi đó, vai trò và tính dự báo lại không được đề cao, phản ánh không đúng xu hướng của thị trường thế giới. Giá tăng hay giảm phụ thuộc vào ý chí của nhà điều hành chứ không phải vào thị trường”, ông Tuấn bày tỏ.
Theo ông Tuấn, điều dễ thấy nhất là trong tháng 7, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, tại thời điểm đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng cũng được giảm lần 2, nhưng mức giảm trong nước lại không kịp với đà giảm thế giới, bởi chúng ta phải trích giữ lại Quỹ bình ổn giá với số tiền khá lớn. Qua 5 lần giảm giá xăng, số tiền bị giữ lại cho Quỹ bình ổn lên đến 4.000 đồng/lít, điều này không phù hợp với quy luật thị trường.
Đồng tình với kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, thông tin với báo chí, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhận định, hầu hết các nước đều để giá xăng dầu biến động theo thị trường chung, khi giá dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu bán lẻ đến tay người tiêu dùng cũng tăng và ngược lại. Quỹ bình ổn giá của Việt Nam nghe có vẻ tốt nhưng thực tế người tiêu dùng vẫn thấy giá xăng dầu trong nước không thể bình ổn được theo đúng nghĩa của nó.
Chưa kể, việc thu quỹ từ tạm ứng trước khi tiêu dùng là không hợp lý, tăng gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Điều này tạo khó khăn rất lớn cho hoạt động của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Sử dụng Quỹ bình ổn làm méo mó giá xăng dầu, không đi theo đúng bản chất kinh tế thị trường.
“Trường hợp xăng dầu biến động tăng giá quá cao thì Chính phủ có thể sử dụng các chính sách hợp lý khác để hỗ trợ cho những đối tượng bị tác động nặng nề trong một giai đoạn nhất định. Tại sao thích giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong khi mục đích để bình ổn giá thì không được bao nhiêu? Vì vậy các đơn vị kinh doanh kiến nghị là có lý. Chúng ta phải tiến tới việc để thị trường hàng hóa đều hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Muốn vậy, nên tính toán bỏ Quỹ bình ổn giá sớm hơn trước khi Luật Giá sửa đổi”, TS Đinh Thế Hiển bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Quản lý thị trường xăng dầu: Không thể để doanh nghiệp bán lẻ ký với nhiều đầu mối
03:50, 02/09/2022
Quản lý thị trường xăng dầu: Cần xây dựng cơ chế giá trần
04:00, 01/09/2022
"Mạnh tay" thanh lọc thị trường xăng dầu
04:00, 22/08/2022
Đã đến lúc “khai tử” Quỹ bình ổn giá xăng dầu
04:05, 20/08/2022
Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi, giá xăng dầu liệu có được như kỳ vọng?
11:06, 10/08/2022