Chuyên gia cho rằng, để tránh thất thu thuế từ các hoạt động thương mại điện tử, Nhà nước cần nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện quy định pháp luật, siết chặt các chính sách về thuế, hóa đơn điện tử…
>>Livestream bán hàng thu bạc tỉ: Khó quản lý thuế, vì sao?
Gian nan quản lý thuế
Những ngày qua, vấn đề chống thất thu thuế từ hoạt động livestream bán hàng vẫn đang là tâm điểm dư luận. Còn nhớ, ngày 4/6 vừa qua, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Đỗ Trí Nghĩa đã đề nghị Bộ trưởng làm rõ “hiện tượng livestream”. Theo đại biểu Nghĩa, nếu đi không đúng hướng cơ quan quản lý sẽ hết sức vất vả, luôn luôn đuổi theo "mê hồn trận" rất khó khăn mà người tiêu dùng lãnh đủ, cơ quan thuế thất thu.
Ngay sau phiên chất vấn này, ngày 5/6, Tổng cục Thuế đã có công điện yêu cầu cục thuế các địa phương rà soát, kiểm tra toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh TMĐT trên sàn giao dịch. Các tổ chức, cá nhân tham gia tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ quảng cáo, cung cấp phần mềm, cũng nằm trong diện rà soát lần này. Cùng đó, lãnh đạo ngành thuế lưu ý với nhóm kiểm tra là các tổ chức, cá nhân livestream bán hàng hóa, dịch vụ.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện 56/CĐ-TTg ngày 6/6/2024, yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Trong đó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, tại hội nghị về kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển TMĐT, nâng hiệu quả quản lý thuế diễn ra mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ sửa quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch TMĐT, livestream.
Thủ tướng đánh giá, quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, TMĐT còn thất thoát. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ sửa Nghị định 123/2020 quy định về áp dụng hóa đơn điện tử với các giao dịch này.
>>Tấp nập livestream bán hàng, sức ép thay đổi cho bán lẻ truyền thống?
Cần thiết áp dụng hoá đơn điện tử
Bình luận về đề xuất áp dụng hoá đơn điện tử để chống thất thu thuế, chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, áp dụng hóa đơn điện tử với bán hàng qua hình thức livestream có thể được hiểu là yêu cầu người bán hàng livestream xuất hóa đơn điện tử mỗi lần giao dịch thành công.
Trên thực tế, có những người bán hàng livestream 1-3 giờ liền, hoặc từ sáng đến chiều và chốt đơn rất nhiều. Việc chốt đơn liên tục khi livestream cũng là “chiêu” để họ hút khách hàng vào xem và mua hàng, còn trên thực tế, số đơn giao dịch thành công không chắc được nhiều như vậy.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử với bán hàng livestream là cần thiết và triển khai càng sớm càng tốt, bởi qua đó giảm thiểu sai sót, rủi ro; cơ quan thuế nắm được doanh thu của người bán hàng để thu đúng, thu đủ thuế cho nhà nước.
Vị chuyên gia này cũng nhận định rằng, việc áp dụng hóa đơn điện tử với livestream không dễ dàng, bởi việc bán hàng được thực hiện hầu hết trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài. “Vì vậy, trước hết cần quản lý các đối tượng bán hàng livestream, xác định địa chỉ người bán hàng, có đăng ký kinh doanh hay không, nắm bắt doanh thu qua ngân hàng và bên vận chuyển...”, Đinh Trọng Thịnh kiến nghị.
Đồng quan điểm, chia sẻ trên báo SGGP, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SB Law cũng nhận định, đối với livestream bán hàng, việc đề xuất xuất hóa đơn điện tử cho hoạt động này có nhiều lợi ích như giúp đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động livestream, không khai khống số liệu, hạn chế gian lận thuế. Đặc biệt, đề xuất này giúp người tiêu dùng sẽ cảm thấy yên tâm hơn về tính hợp pháp và chất lượng của sản phẩm, dịch vụ.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng cho rằng, các cá nhân và tổ chức nhỏ lẻ có thể gặp khó khăn trong việc áp dụng hệ thống hóa đơn điện tử do thiếu kiến thức, kỹ năng và công nghệ cần thiết. Việc kiểm soát và đảm bảo tất cả các cá nhân và tổ chức tuân thủ quy định mới có thể là một thách thức lớn đối với cơ quan chức năng.
Cũng theo vị chuyên gia này, con số doanh thu trên livestream chưa chắc đã là số tiền thu về thực tế do hình thức bán hàng qua livestream cũng có tỷ lệ trả hàng cao. Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có các chính sách hỗ trợ về kỹ thuật cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh nhỏ, hộ kinh doanh qua livestream để họ có thể thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử.
“Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về thuế, quản lý hoạt động TMĐT, đặc biệt là livestream bán hàng, để đảm bảo việc áp dụng xuất hóa đơn điện tử được thực hiện hiệu quả và công bằng”, luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Có thể bạn quan tâm
Livestream bán hàng thu bạc tỉ: Khó quản lý thuế, vì sao?
03:00, 13/06/2024
ĐBQH “lo” livestream bán hàng 1 ngày hàng trăm tỷ đồng
16:07, 04/06/2024
Thu thuế đối với hoạt động livestream bán hàng thế nào?
00:03, 02/06/2024
Tấp nập livestream bán hàng, sức ép thay đổi cho bán lẻ truyền thống?
03:00, 01/03/2024