Không gian ngầm của đô thị cần được quản lý và sử dụng có hiệu quả, đây chính là nguồn tài nguyên để phát triển Hà Nội.
>>> Cụ thể hóa “quyền bề mặt” trong Luật Đất đai sửa đổi
Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), khoản 1 Điều 19 nêu rõ về việc quản lý, sử dụng không gian ngầm phải tuân theo các nguyên tắc: dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về điều kiện tự nhiên, địa chất, địa mạo, thủy văn; bảo đảm quốc phòng, an ninh; ưu tiên các công trình có tính lưỡng dụng, có khả năng sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhu cầu quốc phòng, an ninh; bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; việc xây dựng công trình ngầm, bao gồm cả phần móng, cọc và phần ngầm của công trình trên mặt đất, phải thực hiện theo dự án đầu tư xây dựng, hạng mục của dự án đầu tư xây dựng hoặc theo giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Khoản 2 Điều 19, không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất thuộc địa bàn TP Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ. Việc sử dụng lòng đất ngoài giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định phải được cấp phép phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành đồ án quy hoạch chung về không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm nên sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi, năng lực để triển khai các quy định mới.
Để Hà Nội có thể thực hiện nhanh nội dung này, đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đề nghị các nghị định hướng dẫn của Chính phủ đối với Luật Đất đai 2024 trong giai đoạn hiện nay cần tích hợp các quy định về giá đất, trường hợp miễn giảm tiền sử dụng không gian ngầm đối với các công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh thuộc danh mục khuyến khích đầu tư xây dựng.
Cùng góp ý về quản lý, sử dụng không gian ngầm, đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị quy định rõ hơn trong luật các chính sách ưu tiên phát triển các công trình ngầm của TP, bao gồm cả nhà ga, tàu điện ngầm trung tâm kết hợp với các tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ ngầm theo mô hình TOD.
>>> Nhiều dự án vướng quy hoạch ngầm: Nhà đầu tư bị động
Bổ sung việc xây dựng các công trình ngầm vào danh mục các dự án được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư quy định tại Điều 40. Đồng thời, đề nghị UBND TP Hà Nội sớm xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị để có căn cứ triển khai thực hiện.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội, với không gian ngầm, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang quy định không giới hạn trong phạm vi xây dựng công trình. Tức là ở khu nhà này, không gian ngầm có thể mở rộng ra xung quanh mà không bị giới hạn, từ đó sẽ tạo thành những “thành phố ngầm” trong lòng thành phố, không gian trên mặt đất dành cho công cộng, đặc biệt là giao thông đô thị.
Theo GS.TS Cường, về việc giới hạn độ sâu không gian ngầm, cần phải có quy định riêng cho mỗi khu vực. Ví dụ, ở khu vực trung tâm Hà Nội, nơi nhiều công trình, nằm trong các tuyến đường sắt đô thị, không gian ngầm ở đó phải quy định khác. Còn ở những nơi có công trình quốc phòng an ninh thì phải quy định khác. Do vậy, độ sâu thế nào, bao nhiêu mét, phải được căn cứ theo khu vực và Chính phủ nên có nghị định quy định chi tiết, như thế sẽ phù hợp hơn. Còn nếu áp đồng loạt độ sâu 15 mét sẽ không ổn.
TS. KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, muốn phát triển không gian ngầm tốt thì phải có quy hoạch thật tốt, trong đó phải nhìn nhận được các vấn đề thực tiễn thuộc về hạ tầng không gian ngầm như hệ thống giao thông, bãi đỗ xe ngầm, đường ngầm qua đường, không gian ngầm phục vụ công cộng… Bên cạnh quy hoạch tốt và được duyệt triển khai, cần phải quản lý tốt quá trình thi công công trình, vận hành quản lý... Những phần việc này liên quan tới các quy định pháp luật, chính sách cần đồng bộ hoàn thiện.
Ngoài ra, vấn đề tài chính vẫn là thách thức lớn đối với phát triển không gian ngầm của Việt Nam khi kinh phí đầu tư xây dựng lớn hơn nhiều lần so với công trình nổi trên mặt đất. Do đó, để phát triển không gian ngầm trong các đô thị, cần dành nguồn lực đầu tư đích đáng, đa dạng phương thức huy động vốn cho phát triển không gian ngầm.
Có thể bạn quan tâm