Công nghệ

Quản trị quốc gia và doanh nghiệp bằng công nghệ

Hạnh Lê 27/05/2025 19:00

Không chỉ là lĩnh vực riêng biệt, chất xúc tác để kích hoạt quản trị mà quản trị Chính phủ, quản trị doanh nghiệp đang được thực hiện bằng công nghệ.

Đây là khái niệm mới của công nghệ được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nhấn mạnh tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ Việt Nam (VINASA) tổ chức.

Mr Khoa
Ông Nguyễn Văn Khoa - CEO của tập đoàn FPT, Chủ tịch VINASA nhấn mạnh: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa - CEO của tập đoàn FPT, Chủ tịch VINASA nhấn mạnh: “Bộ tứ trụ cột” đang thúc đẩy chiến lược phát triển của Việt Nam. Ở vị trí trung tâm của chiến lược phát triển là khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho sự phát triển của các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Cùng với nhiều quyết sách mới đang được Đảng, Chính phủ gấp rút xây dựng và hoàn thiện sẽ tạo nên khung chính sách đồng bộ, liên kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và phát triển công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Nhìn ra khu vực và thế giới, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ thêm: trong bối cảnh địa chính trị thế giới thay đổi nhanh và khó lường trước, để duy trì tăng trưởng, các nền kinh tế đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Đặc biệt, với kỷ nguyên AI đang mở ra trước mắt, khái niệm mới của công nghệ đang định hình.

Công nghệ không phải là chất xúc tác, là công cụ được kích hoạt phục vụ cho quản trị của Chính phủ và doanh nghiệp mà các quản trị này được thực hiện bằng công nghệ. Khi công nghệ trở thành hạ tầng phát triển cốt lõi của quốc gia, vấn đề không còn tranh luận về việc nên hay không nên chuyển đổi số. Quan trọng nhất, chuyển đổi nhanh đến đâu để không bị bỏ lại phía sau?

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vì thế trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế; mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng số tăng từ 30% vào năm 2021 lên gần 70% vào năm 2024. Chính phủ số đang phát triển mạnh với hơn 95% dịch vụ công cấp độ 4.

Về lâu dài, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo
Chuyển đổi số doanh nghiệp và các ngành kinh tế góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế số dự kiến đạt trên 20%/năm

Tính đến đầu năm 2025, Việt Nam đã có trên 54.500 doanh nghiệp công nghệ số. Không chỉ tăng về số lượng, các doanh nghiệp đã khẳng định được năng lực, tự tin bước lên nấc thang cao hơn: làm chủ công nghệ, sáng tạo sản phẩm và giải quyết những bài toán lớn của đất nước.

Một số tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT, MISA, One Mount đã nhận nhiệm vụ đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghệ lõi nhằm giải quyết một số bài toán lớn của quốc gia. Ngoài ra, có khoảng 1.000 doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ số cho hầu hết các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Với những chính sách ưu đãi đột phá thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ từ các Nghị quyết của Đảng, chuyển đổi số doanh nghiệp và nền kinh tế dự kiến sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Sự chuyển mình này góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế số dự kiến đạt trên 20%/năm.

Để nắm bắt các cơ hội phát triển, theo ông Nguyễn Văn Khoa, doanh nghiệp kỳ vọng các bộ ngành, địa phương vào cuộc mạnh mẽ, nhanh chóng cụ thể hóa đưa các Nghị quyết trong “Bộ tứ trụ cột” vào thực tiễn doanh nghiệp. Đồng thời, đặt niềm tin, sẵn sàng rộng mở, ưu tiên đón nhận những sản phẩm, doanh nghiệp công nghệ Việt tham gia các dự án lớn.

Chính phủ đầu tư, khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào các hạ tầng, công nghệ chiến lược như AI, bán dẫn; triển khai sớm những chính sách ưu đãi đột phá thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ trong các doanh nghiệp, ngành kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quản trị quốc gia và doanh nghiệp bằng công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO