Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư hạ tầng được xem như yếu tố tiên quyết để Quảng Nam gia tăng lợi thế cạnh tranh logistics trong thời gian tới.
Có lợi thế về cả đường biển, đường bộ và đường hàng không, Quảng Nam đang cần thêm động lực từ chính sách để “mở lối” cho logistics bứt phá.
Đầu tháng 2, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) tổ chức lễ khánh thành bến 5 vạn tấn – cảng quốc tế Chu Lai với tổng vốn đầu tư 1.590 tỷ đồng. Dự án này phù hợp với mục tiêu trở thành đầu mối giao thương và trung tâm logistics quan trọng của khu vực miền Trung Tây Nguyên, kết nối Nam Lào và Bắc Campuchia của Quảng Nam nhằm tiết giảm chi phí ngang bằng hai miền Nam - Bắc. Đặc biệt, cảng này cũng là trung tâm trong mô hình vận tải đa phương thức, gồm đường bộ - cảng biển - vận tải biển, kết nối đường sắt và sân bay Chu Lai, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho địa phương cũng như khẳng định thương hiệu trong ngành logistics của Việt Nam.
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT THACO cho biết, trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử, hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô tô quốc gia,... Cùng với đó, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistics cảng biển, sân bay, đường sắt.
“THACO luôn hướng tới việc hình thành một trung tâm logistics phục vụ khu vực miền Trung và Tây Nguyên, góp phần giảm chi phí vận chuyển và thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực. Doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển cảng chuyên dụng đáp ứng cho tàu 5 vạn tấn, tạo tiền đề cho việc xây dựng hệ thống logistics đồng bộ và hiệu quả”, ông Dương cho biết.
Về đường biển, Quảng Nam đã đã tận dụng tốt lợi thế để cạnh tranh, tuy nhiên ở lĩnh vực đường bộ và đường hàng không vẫn còn nhiều vướng mắc. Cụ thể, Quốc lộ 14D kết nối với Lào vẫn chưa được đầu tư xứng với tiềm năng, cảng hàng không Chu Lai vẫn trong giai đoạn chờ được nâng cấp, mở rộng. Đây cũng được ví như “điểm nghẽn” trong việc phát triển ngành logistics địa phương.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ, ông Lê Văn Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Quảng Nam đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện “Cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Nam”. Cụ thể, Quảng Nam muốn được hỗ trợ cơ chế tại các chương trình, dự án lớn như xã hội hóa sân bay Chu Lai, cụm cảng biển, logistics, thí điểm khu phi thuế quan tại Khu kinh tế mở Chu Lai, cơ chế hỗ trợ cho các nhà đầu tư chiến lược vào tỉnh,...
Trong năm 2024, đại diện Tập đoàn SOVICO và Công ty CP Hàng không VIETJET làm việc với lãnh đạo tỉnh Quang Nam đề xuất đầu tư Cảng hàng không quốc tế Chu Lai. Ngay sau đó, tỉnh Quảng Nam đã thành lập Tổ công tác giải quyết các hồ sơ, thủ tục và xúc tiến, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai.
Tiếp đến, phía Bộ Quốc phòng cũng đã thống nhất chủ trương chuyển giao 868ha đất quốc phòng để thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai và đề nghị tỉnh Quảng Nam phải có văn bản chính thức gửi Bộ Quốc phòng. Đồng thời, phía địa phương cũng cần chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thủ tục liên quan trong công tác chuyển đổi diện tích đất này.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, Quảng Nam cần xác định các dự án tạo động lực tăng trưởng để tập trung triển khai thực hiện đồng bộ với thực hiện các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, chú trọng vào các dự án điện, các trung tâm logistics gắn liền với sự phát triển các dịch vụ công nghiệp phụ trợ,...
“Quảng Nam thực hiện tốt các quy hoạch đã được phê duyệt thì sẽ tạo được động lực cho phát triển kinh tế. Về cách thức thực hiện, tỉnh Quảng Nam cần tập trung đẩy nhanh tiến độ lựa chọn các nhà đầu tư, cơ chế chính sách đã được Chính phủ tháo gỡ, giờ chỉ còn tỉnh triển khai cụ thể”, Thứ trưởng Bộ Công thương đề xuất.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Quảng Nam khẩn trương và chủ động triển khai thực hiện việc đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo thẩm quyền. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính rà soát, giải quyết dứt điểm việc bàn giao phần diện tích đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Nam trong tháng 02 năm 2025. Tỉnh kêu gọi đầu tư khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo quy hoạch và định hướng hình thành hệ sinh thái kinh tế và đô thị sân bay; phấn đấu hoàn thành các thủ tục đầu tư trong 06 tháng đầu năm 2025 và hoàn thành việc xây dựng cảng hàng không trong thời gian 02 năm.
Về tháo gỡ điểm nghẽn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ đạo việc hoàn thiện Quy hoạch cảng hàng không Chu Lai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và phê duyệt theo thẩm quyền trong Quý II năm 2025. Đồng thời, Bộ GTVT cũng phải lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thẩm quyền trong quý I/2025.
Khi các dự án động lực được tiếp thêm động lực, ngành logistics tại Quảng Nam được kỳ vọng sẽ phát triển bứt phá trong tương lai. Từ đây sẽ hình thành một trung tâm logistics quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho địa phương cũng như quốc gia trong lĩnh vực này.