Tỉnh Quảng Nam sẽ chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo thông tin, ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký ban hành công văn giao các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu các kết quả về môi trường kinh doanh và cải thiện chất lượng quản trị môi trường tại Báo cáo Chỉ số PCI 2024 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố. Qua đó, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các giải pháp cải thiện đối với các chỉ số còn tồn tại, hạn chế thuộc lĩnh vực quản lý của từng đơn vị, địa phương.
Đặc biệt, các đơn vị liên quan phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả và chịu trách nhiệm về kết quả triển khai thực hiện đối với những nhiệm vụ, giải pháp về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026. Song song là thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.
“Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng điều hành, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thúc đẩy đối thoại công - tư và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2025 đạt 10% và hai con số trong những năm tiếp theo”, công văn do ông Phan Thái Bình ký ban hành.
Từ đây, Quảng Nam xác định sẽ chấn chỉnh các cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý về tinh thần, thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, phê bình, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, chấm dứt ngay tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục hành chính và các hoạt động khác liên quan đến cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước
Về nhiệm vụ cụ thể, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Chi cục Hải quan khu vực XII, Chi cục Thuế khu vực XII, Công ty Điện lực Quảng Nam được giao nhiệm vụ tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực xây dựng, môi trường, hải quan, thuế, tiếp cận điện năng; triển khai hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến.
Về Sở Công Thương được yêu cầu đẩy mạnh kết nối cung cầu, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm Quảng Nam tại các thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, triển khai các giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hình thành chuỗi cung ứng nội địa bền vững; tích cực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hoá của Quảng Nam, nhất là các mặt hàng có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.
Với Sở Khoa học và Công nghệ có nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực, cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp phù hợp tình hình mới và tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Song song là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tại công văn này, UBND tỉnh Quảng Nam cũng giao Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục phát huy vai trò đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiệp hội phải là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, chủ động nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gửi các cơ quan chuyên môn để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh giải quyết, tháo gỡ kịp thời.
“Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ, bền vững của kinh tế tư nhân. Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm của cơ quan Nhà nước chuyển từ “nền hành chính công vụ, quản lý” sang “nền hành chính phục vụ và kiến tạo phát triển”, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ động, tận tụy giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp”, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam được giao nhiệm vụ.
Ông Trần Quốc Bảo - Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho hay thời gian qua lãnh đạo địa phương đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tiến độ các dự án lớn, thu hút đầu tư,... Vị này cho biết, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam luôn luôn lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong một thời gian dài và xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể.
“Đặc biệt hơn, Quảng Nam cũng đã kiện toàn Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn với Tổ trưởng là Chủ tịch UBND tỉnh và các Tổ phó là các Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Có thể thấy, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh đã tiếp thêm rất nhiều động lực cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Bảo nói.