Tín dụng - Ngân hàng

Đề xuất cơ chế linh hoạt để tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp Quảng Nam

Tuấn Vỹ 25/05/2025 04:13

Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận tín dụng, cần có giải pháp để hỗ trợ.

Theo thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đang đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cụ thể, về hồ sơ tài chính yêu cầu báo cáo tài chính của doanh nghiệp được phải có lợi nhuận, trong khi tình hình kinh tế khó khăn khiến cho một số doanh nghiệp phát sinh lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến bị hạn chế không thể tiếp cận nguồn vốn mới để duy trì và phát triển trong thời gian tới.

Về tài sản đảm bảo, phía doanh nghiệp cho rằng các tổ chức tín dụng vẫn chú trọng vào các tài sản hữu hình hiện có mà chưa mạnh dạn cho vay đổi với các tài sản hình thành trong tương lai, tài sản hình thành từ vốn vay, quyền tài sản ... đặc biệt là hình thức cho vay tín chấp. Hiện nay, trong khi doanh nghiệp khó khăn, các tài sản hiện có hầu như đã được thế chấp cho các tổ chức tín dụng để đảm bảo các khoản vay khác, nên không thể tiếp cận được nguồn vốn mới.

tindung (1)
Hỗ trợ tín dụng để các doanh nghiệp bất động sản tái thiết các hoạt động đầu tư, xây dựng, hoàn thiện các dự án đang dở dang.

“Điều này chưa phù hợp với nội dung theo Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính Trị về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó “Khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng cho vay dựa trên cơ sở thầm định phương thức sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra, cho vạy dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá tri, xem xét các tài sản bảo dảm bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai và hình thức cho vay tín chấp” cũng như Nghị quyết 138/NQ-CP năm 2025 ngày 16/5/2025 v/v Ban hành kể hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính Trị, trong đó giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo “các Ngân hàng thương mại cải tiến quy định nội bộ, khuyến khích cho vay dựa trên phương án sản xuất kinh doanh, phương án mở rộng thị trường đầu ra; cho vay theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng; cho vay dựa trên dữ liệu thanh toán, dòng tiền; cho vay dựa trên các tài sản bảo đảm bao gồm: động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai phù hợp với quy định của pháp luật”, các doanh nghiệp nêu vấn đề.

Đối với vấn đề cơ cấu lại khoản vay, doanh nghiệp cho rằng hiện các tổ chức tín dụng bắt đầu đẩy mạnh các gói vay mua nợ nhưng lại chỉ áp dụng nguyên thời hạn cho vay theo phương án cũ, chưa có cơ chế thay đổi, cơ cấu lại khoản vay theo tình hình kinh tế trong giai đoạn mới. Việc này dẫn tới các doanh nghiệp không được cơ cấu khoản vay, giảm bớt áp lực trả nợ để tập trung nguồn vốn phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Quốc Bảo - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam, cho biết phía Hiệp hội đã có kiến nghị cụ thể với Ngân hàng Nhà nước khu vực IX để tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng thì Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội vay vốn không thế chấp bằng tài sản hữu hình hiện có mà thế chấp hoàn toàn bằng tài sản hình thành trong tương lai của dự án giúp các doanh nghiệp giải quyết được các vấn đề về vốn khi đồng thời triển khai nhiều dự án cùng lúc.

“Cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho nhóm doanh nghiệp bất động sản khó khăn về thủ tục pháp lý kéo dài do thanh tra, kiểm tra nay đã được tháo gỡ”, ông Trần Quốc Bảo kiến nghị.

385c1ff0a72b0075593a.jpg
Cần đẩy mạnh việc chấp nhận phần bảo lãnh tạm ứng hợp đồng có tỷ lệ tài sản bảo đảm dưới 30% tỷ lệ tạm ứng đối với nhóm doanh nghiệp xây lắp.

Ngoài các nhóm bất động sản, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị tài trợ cho doanh nghiệp xây lắp. Cụ thể, hiện tại có một số tổ chức tín dụng đã linh động áp dụng tỷ lệ đảm bảo/nghĩa vụ bảo lãnh tạm ứng hợp đồng thấp dưới 30% nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp được hưởng mà lại yêu cầu phần tỷ lệ này khá cao, ở mức từ 50% trở lên. Từ đây, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo sát sao để các đơn vị đẩy mạnh việc chấp nhận phần bảo lãnh tạm ứng hợp đồng có tỷ lệ tài sản bảo đảm dưới 30% tỷ lệ tạm ứng.

Theo ông Trần Quốc Bảo, cần điều chỉnh chính sách lãi suất các khoản vay, đặc biệt là cho vay dài hạn hợp lý hơn ( khoảng 10%/năm trở lại ). Qua đây sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận vốn vay với chi phí hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát và các yếu tố kinh tế không ổn định.

“Đối với các dự án nhà ở phục vụ nhu cầu thiết yếu và nhà ở xã hội thì đề nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi khoảng 4%/năm. Điều này không chỉ giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp đầu tư mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho người mua nhà khi giá bán giảm đi đáng kể”, ông Bảo đề xuất.

Ngoài ra, phía các tổ chức tín dụng cũng cần đơn giản hóa các thủ tục vay vốn giảm thiểu thời gian rà soát, xét duyệt hồ sơ vay vốn giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong quá trình chuẩn bị hồ sơ vay. Song song với đó giảm việc khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạn chế các chi phí.

Được biết, tại buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam mới đây, ông Lê Anh Xuân - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh khu vực IX đã thông tin về các công tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời, vị này cũng cho biết sẽ có những hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến 3 nhóm vấn đề trọng tâm là điều kiện cấp tín dụng, quy mô gói vay và lãi suất cho vay.

Từ đây, vị này cho rằng phía Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam nên thống kê danh sách các doanh nghiệp đang khó khăn và cần hỗ trợ tín dụng. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện cơ chế kết nối 3 bên giữa doanh nghiệp - ngân hàng - chính quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề xuất cơ chế linh hoạt để tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO