Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm tại TP. Hồ Chí Minh phản ánh xu hướng tích cực, gắn liền với hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHNN và tăng trưởng kinh tế.
Đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng (số liệu thực tế) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 4.046 nghìn tỷ đồng, tăng 2,62% so với cuối năm 2024 và tăng 12,78% so với cùng kỳ. Đây là kết quả tăng trưởng tích cực, phản ánh những yếu tố tác động từ môi trường kinh tế xã hội và cơ chế chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khu vực II cho biết.
Theo đó, các yếu tố thể hiện tác động ở 3 khía cạnh:
Về quy mô tín dụng trên địa bàn, lần đầu tiên tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt ngưỡng kỹ thuật trên 4 triệu tỷ đồng và tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước đây, Cùng kỳ, 4 tháng đầu năm 2024, tín dụng tăng 1,31%; năm 2023 tăng 1,72%.
Các yếu tố thuận lợi từ môi trường kinh tế xã hội và cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng của NHNN là yếu tố chính tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm. Trong đó, chính sách tín dụng phù hợp, linh hoạt cùng chính sách lãi suất thấp đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất đã phát huy và tác động tích cực đến hoạt động ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tín dụng tiếp tục tâp trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Riêng tín dụng đối với 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu (có đóng trên 60% GRDP của thành phố) như: thương mại, du lịch; truyền thông; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục; tài chính; nghệ thuật vui chơi giải trí… đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm 35,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, tăng trên 3,6% so với cuối năm 2024.
Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phản ánh xu hướng tích cực, gắn liền với hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHNN và tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Đức Lệnh khẳng định.
Chi tiết về tình hình dư nợ các chương trình tín dụng, theo thống kê của TP. Hồ Chí Minh, chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp trong Khu chế xuất - Khu công nghiệp ghi nhận tổng dư nợ đến cuối tháng 4/2025 ước đạt 228.784 tỷ đồng cho 3.536 khách hàng, tăng 1,63% so với cuối năm 2024. Trong đó, dư nợ ngắn hạn đạt 176.236 tỷ đồng (tỷ trọng 77,03%), dư nợ trung, dài hạn đạt 52.548 tỷ đồng (tỷ trọng 22,97%).
Chương trình cho vay theo chương trình bình ổn thị trường: Doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm 2025 đến nay ước đạt 8.244 tỷ đồng cho 38 doanh nghiệp (gồm 15 doanh nghiệp bình ổn, 23 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng). Tổng dư nợ đạt 6.788 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn đạt 6.773 tỷ đồng, dư nợ trung, dài hạn đạt 15 tỷ đồng.
Đối với chương trình cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP và Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tổng dư nợ đến cuối tháng 4/2025 ước đạt 398.266 tỷ đồng với gần 2,1 triệu khách hàng, tăng 10,09% so với cuối năm 2024.
Đặc biệt dư nợ tín dụng đối với 5 ngành, lĩnh vực trên địa bàn (cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ước đạt 1.931.300 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng chủ yếu (khoảng 80,41%).
Hệ thống ngân hàng cũng ghi nhận hiệu quả giải ngân tích cực từ chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Đến cuối tháng 4/2025, đã giải ngân đạt 245.735,38 tỷ đồng cho 45.280 lượt khách hàng vay vốn. Tổng giá trị gói tín dụng đăng ký đạt 517.065 tỷ đồng, tăng 1,4% so với năm trước. Như vậy chỉ trong hơn 1 quý, tỷ lệ giải ngân của chương trình theo đăng ký đã đạt gần 50%.
Đối với gói tín dụng 60.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến Lâm sản và Thủy sản (được Chính phủ chỉ đạo NHNN nghiên cứu mở rộng nâng lên 100.000 tỷ bao gồm cho vay nông nghiệp), doanh số giải ngân trong kỳ ước đạt 243 tỷ đồng; doanh số giải ngân lũy kế từ đầu chương trình đạt 3.576 tỷ đồng. Dư nợ đạt 962 tỷ đồng với 2.083 lượt khách hàng.
Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP: Đến cuối tháng 4/2025, có 6 dự án được công bố theo danh mục (đợt 1), trong đó có 1 dự án đã giải ngân với dư nợ đạt 209,49 tỷ đồng (trên tổng hạn mức 680 tỷ đồng).
Chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội TP.Hồ Chí Minh: Tổng nguồn vốn đến cuối tháng 4/2025 đạt 13.374 tỷ đồng, tăng 8,15% so với cuối năm 2024. Tổng dư nợ ước đạt 12.444 tỷ đồng, tăng 5,44% so với cuối năm 2024 với 207.292 khách hàng còn dư nợ.
Về cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay phát triển kinh tế - xã hội: đã bố trí số vốn đầu tư công 1.500 tỷ đồng.
TP HCM đặt mục tiêu cao về Kế hoạch phát triển kinh tế tư nhân theo Kết luận số 123-KL/TW và tiến độ huy động nguồn lực đầu tư toàn xã hội (đạt thấp nhất 600.000 tỷ đồng, phấn đấu đạt 620.000 tỷ đồng) trong năm 2025; Đồng thời phấn đấu đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra (lũy kế đến quý II từ 30%; đến quý III từ 75%; đến quý IV trên 95%, cuối năm 2025 đạt 100% tương đương 85.000 tỷ đồng. Nhu cầu vốn của địa bàn và các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn theo đó tiếp tục được dự báo sẽ tăng lên trong các quý tới, theo nhu cầu đầu tư toàn xã hội, bao gồm lan tỏa đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Theo Lãnh đạo NHNN khu vực II, có thể nói trong quá trình cung cấp dịch vụ, tài chính, động lực tăng trưởng kinh tế và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Yếu tố này được duy trì, sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Cùng với tăng trưởng tín dụng, hoạt động huy động vốn trên địa bàn cũng ghi nhận tiếp tục tích cực, đảm bảo thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế và các nhiệm vụ theo mục tiêu đề ra.
Cụ thể, theo tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 4 ước đạt 4.087.000 tỷ đồng, tăng 0,31% so với cuối tháng 03, tăng 0,13% so với cuối năm 2024 và tăng 16,22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn huy động bằng VND ước đạt 3.722.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 91,1%, tăng 0,33% so với cuối tháng 03; vốn huy động bằng ngoại tệ ước đạt 365.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,9%, giảm 0,16% so với cuối tháng 03.
Theo hình thức tiền gửi, tiền gửi thanh toán ước đạt 2.152.000 tỷ đồng (tỷ trọng 52,7%), tiền gửi tiết kiệm ước đạt 1.519.500 tỷ đồng (tỷ trọng 37,2%), phát hành giấy tờ có giá ước đạt 415.500 tỷ đồng (tỷ trọng 10,1%).