Hoạt động tín dụng tiêu dùng tăng, phản ánh nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng và mở rộng. Diễn biến này có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại du lịch và dịch vụ.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2025 tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 1.137 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2024. Trong đó, tháng 3/2025 tăng 1,6% so với tháng trước.
Tín dụng tiêu dùng trên địa bàn đang có xu hướng tăng trưởng và gắn liền với những diễn biến tích cực từ nền kinh tế, từ hoạt động tiêu dùng, thương mại, du lịch dịch vụ của Thành phố, cụ thể:
Thứ nhất, 3 tháng đầu năm 2025, tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng 2,3% cao hơn cùng kỳ này các năm trước (cùng kỳ năm 2024 tín dụng tiêu dùng giảm 0,9%; năm 2023 tăng 0,7%.
Thứ hai, bộ tín dụng tiêu dùng có tác động trực tiếp đến tiêu dùng sinh hoạt và đời sống hàng ngày của người dân và gắn với các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, chiếm 39,5% trong trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố, tăng 4,5% so với cuối năm 2024. Trong đó, cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng cao nhất, tăng 8,7% so với cuối năm và chiếm 15,1% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.
Hoạt động tín dụng tiêu dùng tăng, phản ánh nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng và mở rộng. Diễn biến này có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại du lịch và dịch vụ.
Theo đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố trong 3 tháng đầu năm và trong tháng 4/2025 tiếp tục tăng trưởng, riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 28,7% so với cùng kỳ. Đây đồng thời cũng là yếu tố động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thành phố nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng trong thời gian tới.
Thứ ba, tín dụng cho vay mua nhà để ở, để sử dụng, với mục đích tiêu dùng đạt 688 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,5% trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn và tăng 1% so với cuối năm. Mặc dù tăng trưởng thấp hơn so với các lĩnh vực khác, song do chiếm tỷ trọng cao nhất trong hoạt động tín dụng tiêu dùng, vì vậy bộ phận này duy trì tốc độ tăng trưởng dương sẽ có tác động tích cực đến tín dụng tiêu dùng và hiệu quả mang lại cho thị trường nhà ở và tăng trưởng kinh tế, cũng như chính sách phát triển nhà ở của Chính phủ.
Đây là những kết quả tích cực về hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn. Trong đó, yếu tố cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của NHTW, cùng với các sản phẩm cho vay tiêu dùng đa dạng, linh hoạt và tiện ích gắn với khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại của các TCTD đã và đang là các yếu tố thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển hiệu quả.
Đây cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy và phát huy vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của lĩnh vực tiêu dùng trong thực hiện các giải pháp về tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội của ngành Ngân hàng nói chung cũng như trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nói riêng.