Để lĩnh vực bất động sản KCN và năng lượng tái tạo phát triển, các doanh nghiệp cần thêm sự hỗ trợ cụ thể từ phía ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, yêu cầu về phát triển xanh và bền vững tại Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách. Việc để tín dụng xanh giữ vai trò then chốt trong việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính sẽ đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Bùng nổ khu công nghiệp xanh
Hiện nay, đang có hơn 400 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động tại Việt Nam, khoảng 5-7% số này đạt tiêu chí xanh hoặc đang trong quá trình chuyển đổi. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách và quy định nhằm khuyến khích và định hướng phát triển mô hình KCN sinh thái như Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế đã có những điều khoản cụ thể về KCN sinh thái; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và các cam kết quốc tế.
Có thể nói, việc phát triển khu công nghiệp xanh được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phát triển khu công nghiệp sinh thái không chỉ góp phần giảm thiểu tác động môi trường mà còn nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, gia tăng giá trị kinh tế cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu.
Do đó, các khu công nghiệp xanh cần tuân thủ các tiêu chí về đảm bảo năng lượng sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, quản lý nước, tái chế nguyên liệu và kiểm soát phát thải. Về lợi ích, việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam không chỉ mang lại lợi ích nội tại mà còn gia tăng khả năng thu hút đầu tư quốc tế, đặc biệt từ các doanh nghiệp có yêu cầu cao về tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).
Tuy nhiên, để phát triển một khu công nghiệp xanh đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu cao hơn so với các khu công nghiệp truyền thống từ một vài nguyên nhân như đất sạch và quy hoạch xanh, hệ thống xử lý chất thải phù hợp với yêu cầu hiện đại, ứng dụng khoa học - công nghệ xanh,...
Theo ông Lê Quang Triều - Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam việc chuyển đổi các KCN thông thường sang KCN xanh, KCN sinh thái là hướng phát triển tất yếu, bắt buộc để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường về sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên hoặc tái sử dụng yếu tố đầu vào, đầu ra,... Qua đó nhằm chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống “khai thác – sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ” sang mô hình khép kín, tuần hoàn và bền vững hơn.
“Kết nối tín dụng xanh – Khu công nghiệp xanh” là mối liên kết có tính chiến lược và hai chiều, tín dụng xanh là động lực tài chính giúp các KCN chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình xanh; KCN xanh là đối tượng ưu tiên được hưởng các chính sách hỗ trợ tín dụng xanh nhằm giảm chi phí năng lượng và vận hành cho doanh nghiệp, nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Triều nói.
Có thể thấy rằng KCN xanh là một công cụ chiến lược để giảm vệt carbon quy mô lớn, đây là nền tảng để Việt Nam đạt cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Đồng thời, vệt carbon thấp là yếu tố cạnh tranh rất quan trọng để thu hút các tập đoàn FDI có yêu cầu ESG.
Tín dụng xanh trợ lực cho năng lượng tái tạo
Năng lượng tái tạo đang đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển kinh tế xanh của Việt Nam. Theo EVN, để đáp ứng nhu cầu điện năng và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Việt Nam cần phát triển thêm 10-12 GW năng lượng tái tạo mỗi năm đến 2030.
Theo Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo đã rất cụ thể. Đến năm 2030, điện gió trên bờ sẽ được phát triển đến quy mô 7,0 GW (vốn đầu tư 11 tỷ USD); Điện gió ngoài khơi quy mô 6,0 GW (vốn đầu tư 12 tỷ USD); Điện mặt trời quy mô 12,826 GW (vốn đầu tư 8 tỷ USD) và điện sinh khối, điện rác 1,5 GW, (vốn đầu tư 3 tỷ USD).
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể, việc thiếu khung tiêu chí thống nhất để xác định dự án xanh khiến quy trình thẩm định tín dụng kéo dài, gây chậm tiến độ đầu tư do đó việc triển khai còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Các tổ chức tín dụng, vì lo ngại rủi ro, vẫn còn thận trọng trong việc cấp tín dụng quy mô lớn và dài hạn cho các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo hay bất động sản khu công nghiệp xanh. Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (tên gọi trước sáp nhập, nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa được ban hành chính thức.
Điển hình như trường hợp của Trungnam Group, Th.S Đặng Quốc Bảo – Phó TGD Tập đoàn Trung Nam cho hay, phía Tập đoàn đang phát triển các dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 1,6GW và doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, trong tổng số hơn 26 nghìn tỉ đồng Tập đoàn đang vay tại các tổ chức tín dụng không có khoản vay nào được ưu đãi theo chương trình tín dụng xanh.
Theo ông Bảo, hiện các chính sách về tín dụng xanh chưa rõ ràng và cũng không có bất cứ hướng dẫn cụ thể nào hoặc tổ chức nào đứng ra đại diện để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn này. Ngoài ra, nhận thức về lợi ích dài hạn của dự án xanh trong cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
“Theo số liệu, khoảng 20% dự án bị từ chối cấp vốn do thiếu chứng nhận ESG hoặc không đạt yêu cầu về báo cáo đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu cao và thời gian hoàn vốn dài cũng làm giảm động lực triển khai các dự án xanh”, ông Bảo nói.
Để thúc đẩy hiệu quả tín dụng xanh, các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng các cấp, ngành liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý, sớm ban hành tiêu chí, danh mục phân loại dự án xanh thống nhất để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, xét duyệt nhanh chóng. Nhà nước cũng cần ban hành hướng dẫn chi tiết về báo cáo tác động môi trường và chứng nhận ESG cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, các ngân hàng cần phát triển các gói tín dụng phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, giao thông xanh, nông nghiệp hữu cơ... Ngoài ra, cần hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho đội ngũ cán bộ tín dụng về đánh giá rủi ro môi trường - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp trong lập hồ sơ vay vốn xanh, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về cơ hội và lợi ích khi chuyển đổi xanh.
Đặc biệt, cần có giải pháp thu hút các tổ chức tài chính quốc tế tham gia cấp vốn, bảo lãnh tín dụng hoặc đồng tài trợ cho các dự án xanh, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các quỹ đầu tư xanh quốc tế. Song song là xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ tín dụng xanh bao gồm việc kết nối các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tổ chức chứng nhận ESG, nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước thành một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình triển khai tín dụng xanh.