Tín dụng cho vay bất động sản trên địa bàn TP Hồ Chí Minh dương và cao hơn tín dụng chung, nhưng chưa thật sự ổn định. Tín dụng cho vay nhà ở xã hội cũng khả quan hơn.
Đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn TP . Hồ Chí Minh đạt 1.116 nghìn tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng trước và tăng 2,85% so với cuối năm 2024.
Diễn biến tình hình hoạt động tín dụng bất động sản trên địa bàn 4 tháng đầu năm 2025 gắn liền một số kết quả sau:
Thứ nhất, quy mô tín dụng bất động sản tiếp tục duy trì và chiếm tỷ trọng khoảng 28% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Trong đó, tín dụng bất động sản đối với nhóm tự sử dụng (vay mua nhà để ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở; vay sửa chữa nhà…) vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản, chiếm 65% và đạt 727 nghìn tỷ đồng, tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm 2024.
Thứ hai, tăng trưởng tín dụng bất động sản qua từng tháng chưa ổn định, song vẫn tăng trưởng dương và tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn: 04 tháng đầu năm, tín dụng bất động sản tăng 2,85%, trong khi đó tín dụng chung trên địa bàn tăng 2,62%.
Thứ ba, tín dụng nhà ở xã hội đã tăng trưởng trở lại trong 2 tháng gần đây. Đến cuối tháng 4/2025, tổng dư nợ tín dụng nhà ở xã hội đạt 2.764 tỷ đồng, tăng 4,84% so với tháng trước. Trong khi đó, tháng 3/2025 tăng 1,7% và tháng 2/2025 giảm 2,55%.
Chính sách lãi suất tốt, sản phẩm tín dụng nhà ở đa dạng và linh hoạt về kỳ hạn, về lãi suất; đặc biệt phù hợp và gắn liền với thu nhập của người vay theo nguyên tắc đảm bảo cuộc sống và an cư lạc nghiệp của người lao động. Tạo động lực phát triển, ý nghĩa này đã và đang được các TCTD vận dụng và phát triển các sản phẩm tín dụng nhà ở: như gói cho vay nhà ở xã hội; gói tín dụng cho vay nhà ở cho người dưới 35 tuổi và nhiều chương trình tín dụng hấp dẫn khác linh hoạt và hiệu quả.
Liên quan đến tín dụng bất động sản, các chuyên gia cho rằng mặc dù thị trường có sự phục hồi và có sự hưởng lợi, lan tỏa từ các Luật như bộ ba Luật về Bất động sản (BDDS), chủ trương đẩy mạnh đầu tư công, cùng với đó là chính sách nới lỏng tiền tệ linh hoạt để thúc đẩ tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, mặt khác các quy định đối với tiếp cận và vay vốn bất động sản rất chặt chẽ. Chẳng hạn Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016 đang được áp dụng, giúp hạn chế rủi ro đối với hệ thống tài chính ngân hàng và hỗ trợ thanh lọc ngành BĐS, loại bỏ các doanh nghiệp BĐS với những dự án không đủ điều kiện mở bán, phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy, hỗ trợ những doanh nghiệp lành mạnh, có sức khỏe tài chính tốt, có năng lực và kinh nghiệm triển khai thực hiện dự án. Hay cũng tại Thông tư 06/2023, NHNN quy định chặt chẽ hơn về quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ... của các khoản vay mua nhà để ở, đặc biệt là các khoản vay với số tiền lớn.
Thông tư 06/2023 quy định một số nhu cầu vốn mà tổ chức tín dụng không được phép cho vay, bao gồm cho vay để chứng minh khả năng tài chính trong các giao dịch với bên thứ ba, cho vay để thanh toán tiền đặt cọc đối với các dự án bất động sản hình thành trong tương lai chưa đủ điều kiện pháp lý theo quy định, cho vay bù đắp tài chính, tức là cho vay để bù đắp các chi phí mà khách hàng đã thanh toán bằng vốn tự có hoặc vốn vay từ các cá nhân, tổ chức khác (không phải tổ chức tín dụng) nhằm thực hiện phương án, dự án kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống.
Đặc biệt, Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực ngày 01/8/2024, với những quy định có nội dung định hướng tương tự, từ đó sẽ giảm thiểu rủi ro kinh doanh của ngành, giảm rủi ro cho khách hàng, giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
Theo đó, tín dụng bất động sản cũng được các TCTD "nắn dòng" theo hướng nâng chất lượng dư nợ. Song với tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở các ngân hàng cho vay bán lẻ như hiện nay, cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản, những quy định tại dự án sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng, hướng đến Luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu - đã được Thống đốc NHNN báo cáo tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra và sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận, biểu quyết vào ngày 17/6 tới, có thể được thông qua để sớm ban hành, giúp các TCTD có khung pháp lý nhằm tăng cường xử lý nợ. Qua đó, tháo gỡ khó khăn về áp lực chất lượng tài sản, tăng thêm cơ hội cho vay đối với những khách hàng có nhu cầu, điều kiện tiếp cận tín dụng.
Ngoài ra, việc duy trì được mặt bằng lãi suất cho vay ổn định ở mức thấp như hiện nay, cũng được xem là yếu tố quan trọng để dư nợ cho vay bất động sản tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Theo khảo sát ở các NHTM, lãi suất cho vay nhà ở hấp dẫn, đặc biệt với gói cho vay khách hàng trẻ dưới 35 tuổi. Chẳng hạn nhóm có vốn Nhà nước với thị phần tín dụng lớn là Vietcombank là 5,2%/năm, Agribank và BIDV là 5,5%/năm, VietinBank là 5,6%/năm. Tùy theo các gói vay, thời gian hưởng lãi suất cố định khá tốt từ 2-3 năm, cho vay từ 70% giá trị nhà ở mua...