Với những thành tích ấn tượng trong chương trình phát triển OCOP và khởi nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch để “trợ lực” cho cộng đồng khởi nghiệp, chủ thể OCOP trong việc tìm đầu ra.
>>Apple âm thầm mua lại công ty khởi nghiệp WaveOne
Đến đầu năm 2023, trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có tổng cộng 333 sản phẩm đã được công nhận các hạng sao OCOP (năm 2022, công nhận 73 sản phẩm). Theo số liệu công bố, hiện đang có 275 sản phẩm hạng 3 sao, 58 sản phẩm hạng 4 sao, 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Tại hoạt động của năm 2022, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm thực hiện tại tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả khá tốt, có nhiều chương trình hỗ trợ đối với các chủ thể khởi nghiệp. Để “trợ lực” cho cộng đồng này, địa phương đã tổ chức nhiều đợt hội chợ để quảng bá tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp, OCOP cũng như phối hợp quảng bá tại tại nhiều tỉnh thành khác.
Là một chủ thể khởi nghiệp và đạt chứng nhận OCOP, chị Phạm Thị Duy Mỹ, Chủ cơ sở Ngũ cốc Duy Oanh (huyện Duy Xuyên) cho hay việc tích cực tham gia các hội chợ thương mại trực tiếp không chỉ bán hàng hiệu quả mà còn giúp cơ sở kết nối đối tác thuận lợi, tạo tiền đề hợp tác làm ăn lâu dài. Theo chị Mỹ, tỉnh QuảngNam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và từ đâu mối này, đơn vị đã có thêm nhiều đối tác, bạn hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Các chương trình quảng bá, hội chợ là nơi người tiêu dùng được trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, các đối tác, khách hàng có thể tự tay cảm nhận, kể cả được sử dụng thử sản phẩm dẫn đến tin cậy, dễ dàng giao dịch sau này. Và tại đây, các đơn vị cũng tìm được thị trường mới cho mình thông qua sợi dây kết nối từ chính quyền, người dân”, chị Mỹ chia sẻ.
Thông tin từ chị Mỹ, thời gian qua gia đình đã nâng cấp công sửa, đầu tư thêm máy móc để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ những sản phẩm chất lượng, chị Mỹ tin tưởng rằng sản phẩm khi đến với người tiêu dùng sẽ được tin dùng, góp phần khẳng định thương hiệu của cá nhân cũng như công nhận sự hiệu quả của chứng nhận OCOP.
Theo ông Đinh Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Nam việc tổ chức nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP đã tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị có cơ hội giới thiệu, tìm kiếm đối tác, tăng cường kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, các chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị nắm được tình hình cung - cầu thị trường, thị hiếu khách hàng, tiêu chuẩn sản phẩm.
“Qua đó, các đơn vị xây dựng chiến lược cải tiến, đầu tư sản xuất phù hợp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định và phát triển”, ông Phúc cho hay.
Ngoài những kết quả tích cực, việc triển khai Chương trình OCOP năm 2022 tỉnh Quảng Nam vẫn còn những mặt tồn tại nhất định, cần khắc phục. Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền, tạo nhận thức chưa được thường xuyên, một số địa phương chưa thật sự tập trung, quyết liệt,... Chưa kể đến, một số chủ thể đăng ký tham gia nhưng thiếu quyết tâm, bị động dẫn đến quá trình hoạt động không đúng theo định hướng.
Trong năm 2023, ngành Công Thương Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kết nối giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã làng nghề. Trong đó, huy động các đơn vị tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa tại khu vực cũng như nhiều địa phương khác.
Thông qua sự kết nối, các doanh nghiệp có thêm cơ hội quảng bá sản phẩm tỉnh, thành địa phương mình đến với các tỉnh, thành khác. Từng bước, các đơn vị cùng góp phần vào phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương, đẩy mạnh khát vọng làm giàu trong cộng đồng khởi nghiệp.
Mới đây, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản về việc triển khai Chương trình OCOP năm 2023 trên địa bàn. Tại kế hoạch, tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Công Thương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam giao Sở này tích cực thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã lên kế hoạch tổ chức ít nhất 3 hội chợ chuyên về sản phẩm OCOP tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội. Sông song với đó, sẽ có ít nhất 2 hội chợ trong tỉnh tại Hội An và Tam Kỳ.
Đặc biệt, địa phương này cũng đang lên kế hoạch để tổ chức ít nhất 01 đợt xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP ra nước ngoài.
Đối với công tác hỗ trợ các chủ thể khởi nghiệp, đơn vị sản xuất, tỉnh Quảng Nam cũng tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị đăng ký, tham gia giới thiệu, phân phối sản phẩm OCOP tại các hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, các chợ. Đồng thời, kết nối, hỗ trợ các đơn vị quảng bá, bán hàng tại các sàn thương mại điện tử.
Có thể bạn quan tâm