Theo đó, Quảng Ngãi cần đẩy mạnh liên kết trong nội vùng, ngoại vùng nhằm phát huy hiệu quả về hạ tầng và sản xuất kinh doanh…
>>>TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Cấp hơn 1.847 tấn gạo hỗ trợ người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi
Là một trong 5 tỉnh, thành thuộc vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và 10 năm thực hiện Kết luận số 25-KL/TW ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, Quảng Ngãi tuy đã đạt được một số thành tựu về kinh tế - xã hôi, bảo đảm quốc phòng, an ninh nhưng chưa thực sự phát huy thúc đẩy liên kết phát triển tiểu vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.
Quảng Ngãi là tỉnh nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là một trong 05 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nằm trên trục Quốc lộ 1A, hành lang kinh tế Đông - Tây, có đường sắt Bắc - Nam, gần sân bay Chu Lai, tiếp giáp Biển Đông, có cảng nước sâu Dung Quất; có vị trí rất thuận lợi cho phát triển thương mại trong nước và quốc tế. Với diện tích tự nhiên khoảng gần 5,2 nghìn km2, địa hình đa dạng, có cả vùng núi cao, vùng trung du, đồng bằng và vùng ven biển, hải đảo, đây là lợi thế rất lớn để phát triển đa dạng các ngành kinh tế. Cùng với đó, với dân số khoảng 1,3 triệu người, Quảng Ngãi có một nguồn lao động dồi dào và cũng là một thị trường tiềm năng.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tỉnh ủy nhấn mạnh: Trước năm 2004, Quảng Ngãi là một tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ; công nghiệp chưa phát triển; dịch vụ phát triển chậm; nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu; ngân sách phụ thuộc sự hỗ trợ của Trung ương. Đời sống nhân dân rất khó khăn
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW, Kết luận 25-KL/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 10, Chương trình hành động 33-CTr/TU để cụ thể hóa thực hiện; đồng thời, Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ đều xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và ban hành các nghị quyết, kết luận chuyên đề để tập trung huy động và bố trí nguồn lực thực hiện; các cấp ủy đảng, chính quyền ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa, thể chế hóa thực hiện phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Đến nay, GRDP của Quảng Ngãi đạt 52.925 tỷ đồng năm 2021; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 3.360 USD; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2021 đạt 10,92%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ ngày càng cao. Các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng; du lịch có bước phát triển đáng kể, Lý Sơn trở thành điểm tham quan nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Nông nghiệp từng bước được hiện đại hóa. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 1.800 triệu USD, tăng gấp 64,8 lần so với năm 2004; bình quân giai đoạn 2005 - 2021 tăng 27,8%/năm. Cùng với Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án kinh tế lớn trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh đã làm tăng đáng kể giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Khu kinh tế Dung Quất trở thành một trong những khu kinh tế thành công nhất trong cả nước, giữ vai trò là hạt nhân tăng trưởng và động lực phát triển của tỉnh. Văn hóa xã hội tiếp tục phát triển. Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Công tác xây dựng Đảng đạt một số kết quả tích cực. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Theo "Báo cáo ngân sách dành cho công dân - dự toán Ngân sách nhà nước năm 2022" của Bộ Tài chính, Quảng Ngãi là một trong 18 tỉnh, thành có số thu ngân sách điều tiết về ngân sách Trung ương.
Về công tác phối hợp, liên kết phát triển vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng xây dựng các kế hoạch, chương trình nhằm phát triển vùng. Phối hợp tổ chức các hội thảo: Phát triển hệ thống và trung tâm logistics; hợp tác, phát triển các khu kinh tế và các khu công nghiệp trong vùng; xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch;… Hàng năm, liên kết, phối hợp với các địa phương trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên tổ chức các hoạt động về xúc tiến thương mại và khuyến công; liên kết, phối hợp tổ chức các hội thảo để gắn kết các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh, thành phố, khai thác lượng khách du lịch quốc tế theo tuyến hành trình di sản miền Trung qua Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế đến với đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi…
Đặc biệt, Quảng Ngãi đã chú trọng về liên kết phát triển cơ sở hạ tầng giao thông như: Hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đang tiếp tục được đầu tư để kết nối hệ thống đường ven biển của các địa phương trong vùng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển và khai thác du lịch. Đầu tư hoàn thiện và đồng bộ hệ thống hạ tầng cảng Dung Quất 1 nhằm sớm hình thành tuyến container và phát triển dịch vụ logitics phục vụ vận chuyển hàng hoá thông qua cảng của Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung Tây nguyên nói chung.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi phối hợp với các địa phương trong vùng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ và chia sẻ, hỗ trợ nhau trong bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tương đồng, đặc biệt là di sản văn hóa dân tộc thiểu số.
Chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị , Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, đánh giá cao những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi là rất toàn diện, thể hiện được sự thành công từ lựa chọn đột phá trong hướng đi của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nhất trí về những hạn chế mà Báo cáo của Tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra.
Một là, kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước còn phụ thuộc nhiều vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với trung bình của cả nước. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, hiệu quả chưa cao, cơ cấu chuyển dịch chậm, chưa rõ nét. Dịch vụ cảng biển, vận tải biển chưa phát triển nhiều, chưa hiện đại, chi phí cao; hạ tầng du lịch còn yếu.
Hai là, hạ tầng giao thông, đô thị chưa đồng bộ; đô thị phát triển chưa bền vững. Việc quản lý, sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản còn nhiều thiếu sót. Tình trạng khai thác đá, sỏi, cát trái phép còn diễn ra nhiều nơi. Hạ tầng văn hóa - xã hội, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Ba là, Phát triển văn hóa, xã hội chưa đồng bộ với phát triển kinh tế. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Một số di tích lịch sử, văn hóa xuống cấp, chưa được trùng tu, sửa chữa, nâng cấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chưa đáp ứng yêu cầu.
Bốn là, nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền về xây dựng các tiềm lực quốc phòng chưa đầy đủ. Việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh có mặt còn hạn chế. Cải cách tư pháp có mặt chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện kết luận thanh tra của một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; khắc phục sai phạm còn hạn chế.
Năm là, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng ở một số tổ chức, đơn vị chưa nghiêm; còn tình trạng vi phạm quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, kỷ luật phát ngôn; một số trường hợp xử lý kỷ luật về hành chính chưa đồng bộ với xử lý kỷ luật về Đảng.
Những hạn chế kể trên có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, đó là: nhân lực trong bộ máy nhà nước và ngoài xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Năng lực quản lý, điều hành của một số cơ quan, đơn vị, chính quyền cơ sở còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của cấp trên chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới để phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành, địa phương, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
>>>Quảng Ngãi: Quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng
>>>BHXH tỉnh Quảng Ngãi: Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng
Tại Hội nghị, hầu hết ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đều thống nhất cho rằng, các thể chế, cơ chế liên kết, phát triển vùng giữa các tỉnh còn bất cập như: Cơ chế điều phối Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn tồn tại những hạn chế về chức năng, nhiệm vụ; chưa đủ mạnh để tạo thẩm quyền cho bộ máy vùng hiện tại thực hiện việc điều phối vùng.
Đặc biệt, một số ý kiến cũng cho rằng, muốn đẩy mạnh liên kết vùng thì điểm đầu tiên là phải có quy hoạch vùng, từ đó tập trung nguồn lực của Nhà nước và các thành phần kinh tế để đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và các ngành kinh tế, đồng thời đi kèm là có thể chế, cơ chế, chính sách để thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hình thành và phát triển kinh tế vùng gắn với chuỗi giá trị sản phẩm,dịch vụ, giải quyết được nhiều điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đây là điểm yếu không chỉ của tiểu vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung mà còn là thực trạng chung của các vùng kinh tế - xã hội trên cả nước.
Tuy kinh tế những năm qua có mức tăng trưởng cao nhưng GRDP bình quân đầu người thấp hơn so với cả nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Đa số tỉnh có tiềm năng, thế mạnh khá giống nhau nên thu hút đầu tư cũng tương tự nhau; sự liên kết, phối hợp giữa các địa phương còn rời rạc, chưa liên kết trong xây dựng định hướng, chiến lược, chưa tạo ra sức mạnh tổng hợp. Hạ tầng kết nối giữa các địa phương trong vùng chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả. Các thể chế liên quan để điều phối, thúc đẩy liên kết vùng chưa bảo đảm cho công tác điều phối và kiểm soát các hoạt động đầu tư, phát triển vùng. Có tình trạng phân tán nguồn lực theo đơn vị hành chính, hình thành cuộc chạy đua xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng tương tự nhau giữa các tỉnh, thành phố, làm lãng phí nguồn lực,…
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, liên kết trong nội vùng, ngoại vùng chưa gắn kết, chưa phát huy hiệu quả về hạ tầng và sản xuất kinh doanh…
Đánh giá về vai trò của Quảng Ngãi trong việc thúc đẩy liên kết phát triển tiểu vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong thời gian qua, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, liên kết phát triển vùng giữa các tỉnh còn một số hạn chế. Bản thân Quảng Ngãi cũng chưa phát huy hết vai trò, tiềm năng, lợi thế của mình để phát huy liên kết với các tỉnh, thành trong tiểu vùng nói riêng và cả vùng nói chung.
Để công tác tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW đem lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đặt ra của Ban Chỉ đạo và nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững tỉnh Quảng Ngãi:“Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của vùng miền Trung; tạo tiền đề để đến năm 2030, trở hành tỉnh phát triển khá, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2020-2025 và Dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW và đề ra, đại diện các bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết về cơ bản nhất trí với Báo cáo Tổng kết của Tỉnh ủy Quảng Ngãi, đồng thời cũng tham gia, bổ sung một số ý kiến quan trọng.
Ông Lê Sơn Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh về việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội đối với các huyện miền núi và bà con dân tộc thiểu số, cụ thể là theo Nghị quyết 39-NQ/TW, 5 huyện miền núi phía Tây Quảng Ngãi được hưởng chính sách đặc thù như vùng Tây Nguyên, tuy nhiên, các huyện này vẫn còn nhiều khó khăn, cần có những chính sách, giải pháp nhiều hơn nữa.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, du lịch là ngành kinh tế quan trọng đối với Quảng Ngãi, vì vậy, đề nghị các hoạt động kết nối du lịch của Quảng Ngãi không chỉ với các tỉnh, thành trong tiểu vùng, vùng mà phải đi xa hơn tới các tỉnh, thành trên cả nước; khuyến khích.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh về việc môi môi trường kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Ngãi những năm gần đây bị giảm sút (từ đứng vị trí 36/63 tỉnh thành năm 2020, đến năm 2021 đã tụt xuống thứ 45/63 trong bảng xếp hạng); huy động nguồn vốn đầu tư còn thấp…
Nhất trí với ý kiến của một số đại biểu, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, sớm hoàn thành nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, là công cụ quản lý và cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý phát triển tỉnh
Thứ hai, đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng không gian biển. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp trên cơ sở khai thác thế mạnh như: Kinh tế biển; Công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng; Du lịch biển, đảo, nghỉ dưỡng, sinh thái. Đầu tư, phát triển Khu Kinh tế Dung Quất trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; mở rộng, đẩy nhanh tốc độ phát triển Khu Công nghiệp, Đô thị
Thứ ba, nâng cao nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; khai thác hiệu quả hơn “dư địa” về cải cách môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển trở thành trung tâm du lịch của khu vực Nam Trung Bộ và quốc gia.
Thứ tư, bám sát Kế hoạch, Đề cương của Ban Chỉ đạo và ý kiến tham gia, thảo luận tại Hội nghị để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.
Về liên kết vùng, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Quảng Ngãi cần phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh Quảng Ngãi là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực Nam Quảng Ngãi - Bắc Bình Định và Quảng Ngãi - Tây Nguyên. Tiếp tục huy động nguồn lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biển và ven biển, hạ tầng tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung mang tính kết nối vùng và liên vùng như: dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn các tỉnh trong vùng; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi và đoạn tỉnh Quảng Ngãi đi Kon Tum; phát triển hệ thống logistics tại vùng duyên hải miền Trung. Nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường sắt Bắc - Nam,... Xúc tiến việc đầu tư Sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế, đầu tư Sân bay Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đẩy mạnh huy động, thu hút các nguồn lực phát triển các đô thị nhất là các đô thị ven biển, quan tâm đầu tư hạ tầng để nâng cấp một số thị trấn”.
Có thể bạn quan tâm
14:45, 06/01/2022
00:02, 06/01/2022
06:31, 07/12/2021
21:26, 10/09/2021
11:23, 22/08/2021