Quảng Ngãi: Nâng cao chuỗi giá trị nông sản

THÙY LINH 25/05/2023 13:22

Quang Ngãi thực hiện Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) sau 4 năm triển khai thực hiện đã mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế.

>>Quảng Ngãi nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

 Sản phẩm chuối già Nam Mỹ tại Quảng Ngãi đang được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore. Ảnh: Hương Giang

Sản phẩm chuối già Nam Mỹ tại Quảng Ngãi đang được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore. Ảnh: Hương Giang

Quảng Ngãi thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, năm 2022, tổng giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt hơn 18.300 tỷ đồng. Trong cơ cấu nội bộ ngành, trồng trọt thường chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng có xu hướng giảm dần diện tích, tăng năng suất và hiệu quả thông qua chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch. Toàn ngành đã chuyển đổi 672,6ha đất trồng lúa kém hiệu quả và trên 583ha đất trồng mì sang trồng cây hàng năm khác. Quảng Ngãi đã xây dựng 105 cánh đồng lớn (tổng diện tích gần 1.872ha), tăng 43 cánh đồng (gần 974ha) so với kế hoạch.

Thiết lập chuỗi giá trị

Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) sau 4 năm triển khai thực hiện đã mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế. Việc nâng cao chất lượng, mẫu mã cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ khi các sản phẩm được xếp hạng theo tiêu chí đánh giá sẽ góp phần đưa thương hiệu các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển KT- XH và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tính đến nay toàn tỉnh có 124 sản phẩm OCOP, trong đó có 09 sản phẩm đạt 4 sao và 115 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận cấp tỉnh đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu từ 15 – 20%/năm; giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng từ 10 – 15%, một số sản phẩm tăng 20%. Năm 2023, tỉnh đề ra mục tiêu có thêm 50 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao, trong đó 3-5 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy Chứng nhận đạt 4 sao.

Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; 10% chủ thể OCOP có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên thực hiện mô hình chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút được 34 dự án vào lĩnh vực nông nghiệp và cấp Quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 168,07 tỷ đồng. Trong đó, 19 dự án đã hoạt động, 15 dự án đang triển khai.

Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cho rằng: Việc các nhà đầu tư tham gia vào các dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp đã và đang giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và có thị trường ổn định. Việc gắn sản xuất với thị trường và chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm được thực hiện theo chuỗi khép kín từ khâu giống, quá trình canh tác, sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ, giảm chi phí đầu vào và tăng được lợi nhuận cho bà con nông dân.

Phát triển nông nghiệp xanh

Tuy nhiên, chuỗi giá trị nông nghiệp của Quảng Ngãi phát triển vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. Hầu hết doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là công ty nhỏ, nguồn vốn ít, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chưa có kinh nghiệm quản lý, thiếu thông tin thị trường. Việc xây dựng phát triển thương hiệu hạn chế; sản xuất còn tự phát, lao động là nông dân địa phương chưa qua đào tạo. Chính vì vậy trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Để làm được điều đó, ông Hồ Trọng Phương cho biết: Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2025, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính,... Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Đặc biệt, ngành nông nghiệp tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.”- ông Hồ Trọng Phương nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ngãi: Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

    Quảng Ngãi: Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

    02:58, 18/04/2023

  • Quảng Ngãi và làn sóng đầu tư ngoại

    Quảng Ngãi và làn sóng đầu tư ngoại

    04:00, 08/02/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quảng Ngãi nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quảng Ngãi nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp

    21:25, 30/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ngãi: Nâng cao chuỗi giá trị nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO