Quảng Ngãi nâng chất lượng thu hút đầu tư

Phan Nam - Thùy Linh 20/11/2019 11:02

Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Ngãi đã được thể hiện rõ nét trong “bức tranh” thu hút đầu tư với nhiều gam màu tươi sáng, mới lạ.

Dự án Nhà máy sản xuất sợi thép và sợi thép bện Bekaert Việt Nam – Dung Quất, của Tập đoàn Bekaert S.A (Bỉ), được cấp phép đầu tư vào Khu kinh tế (KKT) Dung Quất cuối năm 2018, có tổng vốn đầu tư 125 triệu USD, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2019 và đi vào hoạt động vào năm 2021.

Đa dạng hoá

Đây là dự án FDI đến từ Châu Âu có vốn đầu tư lớn nhất tại Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện tại. Dự án này sử dụng khoảng 40ha đất tại KCN VSIP Quảng Ngãi, chuyên sản xuất sợi thép bện, sợi tăm thép dùng gia cố trong lốp xe và sợi thép bện cải tiến dùng cho ngành ô tô và các ngành công nghiệp khác.

Đại diện Công ty Bekaert Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ với Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất về công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho dự án. Trong giai đoạn đầu, nhà máy có công suất khoảng 75.000 tấn/năm sợi thép bện, 1.000 tấn/năm sợi tăm thép và 2.000 tấn/năm sợi thép bện cải tiến.

Trước đó, dự án Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp Messer Hải Phòng – Dung Quất, với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD của Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer (thuộc Tập đoàn Messer CHLB Đức) đã được cấp phép đầu tư tại khu công nghiệp (KCN) phía đông KKT Dung Quất. Sau gần 2 năm đầu tư, nhà máy hiện đang được vận hành chạy thử. Đây là nhà máy quy mô nhất của Messer tại Đông Nam Á. Theo hợp đồng ký kết với Tập đoàn Hòa Phát, nhà máy sẽ cung cấp cho Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 80.000 Nm³/h khí oxy và 160.000 Nm³/h khí nitơ. Ngoài ra, nhà máy còn cung cấp khí dạng lỏng cho các doanh nghiệp khác, như ngành công nghiệp đóng tàu hay ngành tự động hóa.

Bức tranh thu hút đầu tư FDI vào Quảng Ngãi trong những năm gần đây đã có sự thay đổi đáng kể. Bên cạnh việc thu hút các dự án đầu tư đến từ Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã chào đón các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Châu Âu như Bỉ, Đức, Anh...

Bức tranh đó phản ánh rất rõ những nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi trong thu hút đầu tư. Đa dạng hoá nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng các dự án đầu tư là đích .

Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong 9 tháng đầu năm 2019 toàn tỉnh cấp mới 04 dự án FDI: (1) Nhà máy sản xuất, gia công giày dép và khuôn giầy Hiệp Ích Việt Nam, (2) Nhà máy sản xuất sợi và vải Mahang Dung Quất, (3) Nhà máy sản xuất trang phục Mensa Tịnh Phong, (4) Nhà máy sản xuất đồ nội ngoại thất Omegia Dung Quất), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 39,3 triệu USD, thu hồi 02 dự án với tổng mức đầu tư là 20,2 triệu USD. Tính đến thời điểm ngày 20/9/2019, toàn tỉnh có 64 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1.794,93 triệu USD.

Cảng nước sâu Hòaa Phát, Dung Quất.

Cảng nước sâu Hòaa Phát, Dung Quất.

“Đòn bẩy”… Dung Quất

Theo quy hoạch KKT Dung Quất có tổng diện tích khoảng 45.332 ha bao gồm: phần diện tích Khu kinh tế hiện hữu là 10.300 ha, phần diện tích mở rộng khoảng 24.280 ha và khoảng 10.752 ha diện tích mặt biển. Đây là cú huých để KKT Dung Quất tăng tốc phát triển mạnh mẽ trong thời gian đến.

Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN cho biết: Tại KKT Dung Quất, bên cạnh các ngành công nghiệp (CN) hiện hữu như lọc hoá dầu, luyện thép... thì ngành CN điện khí với các dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp khai thác từ mỏ khí Cá Voi Xanh hứa hẹn sẽ tạo cú huých cho ngành CN, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm đến.

Trong tương lai tại KKT Dung Quất sẽ có Trung tâm Điện lực Dung Quất gồm ba nhà máy tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, II, III, với công suất khoảng 750MW/nhà máy và dự phòng diện tích cho nhà máy thứ tư trong tương lai. Trong đó, hai nhà máy Dung Quất I và III do EVN làm chủ đầu tư, còn Nhà máy Điện Dung Quất II do Tập đoàn Sembcorp làm chủ đầu tư theo phương thức BOT.

Đặc biệt, sau khi nâng cấp mở rộng, nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất sẽ tăng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm. Việc kết hợp và tích hợp khí mỏ Cá Voi Xanh vào NMLD Dung Quất là cơ hội để phát triển KKT Dung Quất trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia đúng như định hướng của tỉnh. Ngoài ra, dự kiến sau khi mở sản phẩm khí mỏ Cá Voi Xanh được đưa vào bờ, KKT Dung Quất sẽ đón làn sóng đầu tư các dự án sử dụng sản phẩm khí.

KKT Dung Quất đã và đang trở thành KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất và các ngành công nghiệp quy mô lớn, như cơ khí, luyện cán thép...

Đến thời điểm hiện tại, KKT Dung Quất đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho gần 230 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 10 tỷ USD. KKT Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là một trong 8 nhóm KKT ven biển được tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016- 2020, nhờ đó hạ tầng KKT từng bước được đầu tư đồng bộ.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gián tới, tỉnh Quảng Ngãi luôn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi các dự án đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi, tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư ”tại chỗ” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư. Quảng Ngãi tập trung mọi nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Các ngành, các cấp đồng hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh.

Qua đó, tỉnh tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, ưu tiên đối với những lĩnh vực công nghiệp, logistics, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng đô thị, du lịch – dịch vụ, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dự án sản xuất sâu các mặt hàng nông sản mang lại giá trị thương mại cao, dự án có sự lan tỏa mạnh mẽ đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các dự án an sinh xã hội, công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp ‘‘xanh’’, thân thiện với môi trường. Tỉnh ưu tiên thu hút dự án thuộc lĩnh vực sản xuất tư liệu sản xuất thay thế sản phẩm nhập khẩu nhằm tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, đồng thời tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ngãi nâng chất lượng thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO