Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn còn những khu đất ở vị trí trung tâm, đắc địa, nhưng bị bỏ trống, làm mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn lực…
>>>Quảng Ninh triển khai hàng loạt dự án nhà ở xã hội
Còn nhiều dự án chậm...
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số dự án bộc lộ thiếu sót, như chủ đầu tư, chủ dự án thiếu năng lực, chính sách giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa theo kịp cuộc sống. Trong đó vai trò quản lý nhà nước của địa phương, sở, ngành chưa sâu sát, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế…, dẫn tới chậm tiến độ, làm phát sinh nhiều hệ lụy.
Theo một số người dân tại khu Nam Tân, phường Nam Khê cho biết: Đã nhiều năm nay, Dự án Trường Đại học Hạ Long và Khu đô thị, dịch vụ phụ trợ tại phường Nam Khê - TP Uông Bí triển khai không bảo đảm tiến độ, khiến cuộc sống người dân trong khu vực dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực trạng này đang làm cho bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác, cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm người dân gặp rất nhiều khó khăn. Gần 10 năm nay, cuộc sống của hàng trăm người dân khu Nam Tân rơi vào vòng luẩn quẩn. Họ muốn bán nhà đất để đi nơi khác nhưng không ai mua; muốn thế chấp nhà đất cũng không ngân hàng nào nhận… Lý do là đất nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của dự án.
Được biết: Dự án Trường Đại học Hạ Long và Khu đô thị, dịch vụ phụ trợ tại phường Nam Khê được tỉnh phê duyệt với diện tích 59ha. Thời gian qua tỉnh cho các đơn vị nghiên cứu mở rộng quy hoạch lên 111,13ha. Như vậy số hộ dân bị ảnh hưởng cũng tăng cao. Người dân rất mong chờ tỉnh sớm phê duyệt quy hoạch và công bố để họ biết ranh giới, yên tâm ổn định cuộc sống và sản xuất nông nghiệp.
Dự án đầu tư xây dựng - kinh doanh hạ tầng khu dân cư đầm Liên Minh (phường Quảng Yên, TX Quảng Yên) cũng sống trong cảnh khó khăn do vướng mắc công tác GPMB. Dự án này được triển khai từ tháng 9/2004, do Công ty CP Xây dựng Tín Nghĩa làm chủ đầu tư; đến tháng 12/2017 chuyển chủ đầu tư mới là Công ty CP Đầu tư xây dựng Thành Thắng. Tổng diện tích đất quy hoạch của dự án trên 57.000m2, thời gian hoàn thành dự án đến hết tháng 6/2009.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư mới san nền được khoảng 1/3 diện tích, thi công hạ tầng khu san lấp này gồm 150 ô đất. Số ô đất này đã được chủ đầu tư chuyển nhượng hết, đã có 50 ô được xây dựng công trình để sinh hoạt.
Hiện diện tích đất còn lại của dự án đang vướng mắc về công tác GPMB liên quan đến 6 hộ dân. Mặc dù thị xã đã dành quỹ đất để bố trí tái định cư cho các hộ dân này, nhưng chủ đầu tư đã bỏ qua những đề nghị của chính quyền địa phương sau nhiều lần cùng làm việc để hoàn thiện công tác GPMB, khiến cho 6 hộ dân sống trong cảnh “đi không được, ở không xong”.
Hộ bà Đặng Thị Khanh - khu 6, phường Quảng Yên cho biết: Nhiều năm nay phải sống trong cảnh nhà dột nát, đồ đạc trong nhà như tủ lạnh, chạn bát… phải kê cao. Bà Khanh cho biết: “Cứ mưa là nhà ngập, chỉ lo bị đổ sập, nhưng chưa nhận được tiền đền bù để di dời”. Hiện hơn 100 hộ dân ở khu dân cư đầm Liên Minh đã xây biệt thự, nhà liền kề tiền tỷ cũng trong cảnh “đứng ngồi không yên”. Dự án sau gần 20 năm triển khai vẫn dang dở hạ tầng giao thông, hệ thống điện nước, công viên cây xanh, hồ nước…, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
...đến cương quyết xử lý
Được biết, Công ty TNHH Đông Hải được UBND tỉnh Quảng Ninh cho thuê 21.000m2 đất nông nghiệp, đất chuyên dụng của một số hộ dân trên địa bàn phường Kim Sơn để thực hiện Dự án xây dựng xưởng nhập khẩu ô tô, nhà máy sản xuất sơn. Chủ đầu tư khi đó có xây dựng một dãy nhà cấp 4 để làm nơi trưng bày và bán sản phẩm sơn. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động không mang lại hiệu quả, dự án đã bị bỏ hoang nhiều năm nay, cơ sở vật chất bị xuống cấp nghiêm trọng, đất đai hoang hóa gây ô nhiễm môi trường.
Theo một số hộ dân tại khu Nhuệ Hổ, phường Kim Sơn cho biết: Nhiều hộ dân có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ dự án, chúng tôi rất đồng thuận và bàn giao đất, nhưng dự án không triển khai, gây lãng phí, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp khu vực lân cận, rất mong tỉnh, thị xã có phương án xử lý.
Tuy nhiên cho đến nay, Dự án xưởng nhập khẩu ô tô, nhà máy sản xuất sơn của Công ty TNHH Đông Hải đã chậm tiến độ và bỏ hoang, hiện trở thành nơi chăn thả gia súc, nơi tập kết đủ loại rác thải xây dựng, rác thải sinh hoạt, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường. Người dân đều mong muốn tỉnh thu hồi đất giao cho chủ đầu tư khác có đủ năng lực thực hiện các dự án.
Sau nhiều lần kiến nghị của cử tri, ngày 28/4/2021, Công ty TNHH Đông Hải đã trả lại phần đất thuê trên. Ngày 6/5/2021, Phòng TN&MT đã tham mưu cho UBND thị xã ban hành văn bản đề nghị thu hồi đất đối với trường hợp tổ chức sử dụng đất có văn bản tự nguyện trả lại đất. TX Đông Triều cũng đề nghị Sở TN&MT xem xét đề nghị thu hồi dự án này.
Hiện, do vướng mắc về tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của Công ty TNHH Đông Hải từ tháng 6/2011 đến tháng 3/2021, nên chưa có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh. Vừa qua, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì nghiên cứu đề xuất giải quyết nội dung vướng mắc về thu tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp làm cơ sở để Công ty TNHH Đông Hải thực hiện và quyết định thu hồi đất theo thẩm quyền.
Ông Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng Phòng TN&MT TX Đông Triều, cho biết: Ngay khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, Phòng TN&MT sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đối chiếu quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu... để đề xuất phương án sử dụng đất sớm nhất, với mục tiêu đưa đất vào sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí.
Một dự án có vị trí đắc địa nằm ngay cạnh QL18A chậm tiến độ nhiều năm nay đã để lại những hệ lụy về kinh tế và an ninh trật tự. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thu hồi những dự án không triển khai, chậm triển khai như trên, nhằm giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển KT-XH của địa phương.
Theo thống kê, trước ngày 1/1/2019 có 175 dự án đã giao đất, cho thuê đất; trong đó có 123 dự án đã cơ bản hoàn thành, 8 dự án chậm tiến độ dưới 2 năm, 21 dự án chậm tiến độ từ 2-5 năm, 23 dự án chậm tiến độ trên 5 năm.
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai cũng như phát hiện sớm, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; ngày 14/11/2022 UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 5858/UBND, giao Thanh tra tỉnh tham mưu kế hoạch thanh tra chuyên đề diện rộng trong năm 2023 đối với 175 dự án.
Theo đó, 11 dự án do Thanh tra tỉnh chủ trì thanh tra có tính chất phức tạp: Đang thanh tra 4 dự án tại huyện Vân Đồn, khảo sát chuẩn bị thanh tra đối với 3 dự án tại TP Móng Cái, phân khai nhiệm vụ và thanh tra trong quý III, IV/2023 đối với 4 dự án tại TP Hạ Long; các sở, ngành thanh tra 72 dự án liên quan đến các công trình sai quy hoạch, chờ điều chỉnh quy hoạch, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, vướng mắc về giao đất, cho thuê đất, giao mặt nước, nuôi trồng thuỷ sản...; các địa phương thanh tra 23 dự án...
Tính từ ngày 4/11/2022-26/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi đất đối với 10 dự án, tổng diện tích 43,87ha; trong đó có 1 dự án vi phạm Luật Đất đai (dự án trường quay phim cổ trang tại xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) của Công ty CP Việt Nam Tinh Hoa, 9 dự án hết thời hạn thuế đất, tự nguyện trả lại đất.
Có 33 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất (19 dự án đã được lựa chọn chủ đầu tư trước năm 2019; 14 dự án được phê duyệt sau năm 2019) chậm tiến độ dưới 2 năm. Đến thời điểm này Sở KH&ĐT ban hành thông báo chấm dứt hoạt động đầu tư đối với dự án trồng cây dược liệu tại thôn Khe Càn (xã Đồng Sơn, TP Hạ Long) của Công ty CP Y tế Đức Minh.
Các sở, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, đôn đốc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Để tiếp tục xử lý các dự án chậm tiến độ, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh kiểm tra, rà soát làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và có biện pháp xử lý dứt điểm đối với từng dự án cụ thể. Qua đó gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu địa phương và các sở, ngành liên quan. Các địa phương quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB để sớm bàn giao đất cho chủ đầu tư thực hiện.
Có thể bạn quan tâm