Từ ngày 20/4, đồng loạt 7 doanh nghiệp vận tải khách thủy tuyến Vân Đồn – Cô Tô và ngược lại đồng loạt tăng giá vé từ 230 nghìn đồng/người lên 250 nghìn đồng/người.
Việc tăng giá vé tại thời điểm trước nghỉ lễ 30/4-1/5 gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và các hoạt động du lịch tại huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) khiến dư luận vô cùng bức xúc. Đáng chú ý là người dân trên đảo không được giảm giá như trước nữa mà phải mua đồng giá với khách du lịch.
Với mức phí 250 nghìn đồng doanh nghiệp vẫn lỗ
Trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp ông Lê Văn Tòng – Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kalong cho biết, với mức phí 250 nghìn đồng như tàu của tôi bây giờ vẫn đang lỗ, không có lợi nhuận. Mới đây, chúng tôi đã đầu tư phương tiện mới với số tiền 23,6 tỷ đồng/tàu, trong đó vay ngân hàng 13 tỷ. Với mức phí như hiện tại thì phải mất 12 năm doanh nghiệp mới hoàn vốn. Thực tế, lợi nhuận không đủ trả lãi ngân hàng.
Theo quy định của Bộ GTVT doanh nghiệp tự kê khai giá cước và trình Sở GTVT, sau 5 ngày Sở không có yêu cầu phản hồi lại thì doanh nghiệp được quyền niêm yết giá vé tại các bến. Sau 5 ngày niêm yết, doanh nghiệp được quyền thu. Năm 2018, các doanh nghiệp vận tải khách thủy tuyến Vân Đồn – Cô Tô đã có bản kê khai giá cước gửi Sở GTVT Quảng Ninh. Theo thực tế giá cước đủ chi phải là 280 nghìn đồng/lượt/người. Sau đó, dùng mọi biện pháp tiết kiệm từ nhân công cho đến nhiên liệu, thậm chỉ cả những chiếc bình ắc quy các doanh nghiệp chỉ kê khai giá vé là 250 nghìn đồng/lượt.
Đáng lý việc thu giá cước 250 nghìn đồng đã phải thực hiện từ năm 2018. Nhưng, tại thời điểm đó, huyện Cô Tô và Sở GTVT có làm việc với các doanh nghiệp và cho rằng chỉ nên thu 230 nghìn đồng/lượt, và các doanh nghiệp đã đồng tình.
Tuy nhiên, năm nay nhiên liệu tăng đến 5 nghìn đồng/lít, trong khi 60% chi phí là từ nguyên liệu. Đó còn chưa kể phí cập cảng tăng gấp 2-3 lần, phí thuê quầy bán vé cũng tăng từ 3-5 nghìn đồng… Lương công nhân, 3 tháng mùa hè doanh nghiệp phải trả lên tới 150% cho nên doanh nghiệp buộc phải thu phí theo bản kê khai năm 2018, là 250 nghìn đồng.
"Trước kia khi phương tiện cũ kỹ, lạc hậu là một nhẽ, doanh nghiệp mua phương tiện cũ về hoán cải chỉ mất 5-6 tỷ đồng. Nhưng hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh là phải đầu tư phương tiện mới, đẹp, chúng tôi đã bỏ hết phương tiện cũ đầu tư phương tiện mới với chi phí rất lớn. Chúng tôi đều biết người dân Cô Tô, UBND huyện Cô Tô và các cơ sở lưu trú đều có ý kiến khi các doanh nghiệp đồng loạt tăng giá nhưng mọi người cũng lên tìm hiểu kỹ. Chúng tôi tăng giá đi kèm với chất lương dịch vụ tăng cao" - ông Tòng chia sẻ.
Liên quan đến việc người dân và du khách phải mua chung một mức giá vé mà không được miễn giảm như trước, ông Tòng cho biết làm như vậy để tránh tình trạng lộn xộn và kiểm soát vé tốt hơn. "Trước kia các doanh nghiệp vận tải có chế độ giảm phí cho người huyện đảo, với khách du lịch giá vé là 230 nghìn đồng và người dân huyện đảo chỉ có 200 nghìn đồng. Nhưng chính người Cô Tô đã lợi dụng chính sách đó của doanh nghiệp, dùng chứng minh thư người Cô Tô ra mua vé 200 nghìn đồng mang ra bán lại cho khách du lịch 230 nghìn đồng" – ông Tòng nói.
Giữ nguyên giá, bình ổn thị trường?
Đang ngồi chờ để xuống tàu, bà Nguyễn Thị Hà (thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) chia sẻ, gần đây gia đình bà có việc phải thăm người thân nằm viện trong đất liền nên phải đi 2 lần/tuần. "Tính ra mỗi tháng cả đi lẫn về đã mất 2 triệu đồng/người cho vé tàu cao tốc, chưa kể khoản đi lại khác sau khi cập cảng. Ngoài phương tiện là tàu vận tải thủy chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác" – bà Hà nói.
Trước việc đồng loạt tăng giá vé của 7 doanh nghiệp trên, UBND huyện Cô Tô đã có văn bản đề nghị Sở GTVT sớm có văn bản làm rõ việc tăng giá như trên đúng quy định hay chưa?
Ngày 24/4, thông tin từ Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, đơn vị này đã nhận được kiến nghị của UBND huyện Cô Tô. Tuy nhiên qua rà soát thì việc các doanh nghiệp vận tải tăng giá là đúng quy định.
Được biết, ngày 22/4 (sau 2 ngày các doanh nghiệp tăng giá vé), Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh có công văn số 1792/SGTVT-QLVT&PT đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải khách đường thủy từ bờ ra đảo, thực hiện đúng các quy định về kê khai, niêm yết, áp dụng giá cước vận tải đã kê khai, phát hành vé vận tải, không tự ý tăng giá, chỉ tăng giá vé khi giá các yếu tố đầu vào biến động tăng cao đến mức được phép điều chỉnh theo giá quy định. Không tăng vé trong dịp lễ 30/4-1/5.
Trong khi trước đó, ngày 12/4 UBND huyện Cô Tô đã có văn bản gửi Sở GTVT Quảng Ninh có ý kiến chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến Vân Đồn – Cô Tô và ngược lại bình ổn, giữ nguyên giá vé vận chuyển khách.
Nhưng phải đến khi các doanh nghiệp đã tăng giá, Sở GTVT mới ra văn bản đề nghị bình ổn giá, không tăng giá như đã niêm yết công khai, áp dụng giá cước vận tải đã kê khai, không tăng vé trong dịp lễ 30/4-1/5. Dư luận đang rất hoài nghi, Sở GTVT Quảng Ninh đang hợp thức hóa cho việc tăng giá vé của các doanh nghiệp trước đó.
Có thể bạn quan tâm
15:03, 24/04/2019
14:06, 23/04/2019
11:00, 23/04/2019
Theo UBND huyện Cô Tô, hiện nay trên tuyến đường thủy nội địa Vân Đồn - Cô Tô có 7 doanh nghiệp kinh doanh với 22 tàu cao tốc. Đầu tháng 4, khi nhận được thông tin giá vé rục rịch tăng, UBND huyện Cô Tô đã ra văn bản yêu cầu các doanh nghiệp giữ nguyên giá để bình ổn thị trường, tránh gây bức xúc cho người dân nhưng liên doanh các nhà tàu không chấp hành.
Ngay trước mùa du lịch và dịp nghỉ lễ mà các doanh nghiệp lại tăng giá như vậy thì đúng là rất nhạy cảm và gây bức xúc cho người dân. Thiết nghĩ, các cơ quan chính quyền huyện Cô Tô, UBND tỉnh Quảng Ninh nên có giải pháp để hài hòa lợi ích giữa người dân, du khách và doanh nghiệp.