Quảng Ninh những năm gần đây được xem như một “hiện tượng” khi liên tục được các tỉnh, thành phố đổ về học tập.
Đó là khẳng định của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI tại Hội nghị phân tích chuyên sâu về chỉ số PCI Quảng Ninh năm 2018 và khuyến nghị một số giải pháp cải thiện PCI 2019.
Giải mã "hiện tượng" Quảng Ninh
Dưới góc nhìn của ông Tuấn “hiện tượng Quảng Ninh” được phân tích rất thấu đáo.
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh là thương hiệu dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực: Là tỉnh đầu tiên thành lập và vận hành Trung tâm Hành chính công tập trung trên cả nước; tỉnh đầu tiên có mô hình Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư chuyên nghiệp và bài bản; tỉnh được nhắc nhiều nhất về sự tích cực trong báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ...
Theo bảng thống kê chi tiết về chỉ số PCI năm 2018, ông Đậu Anh Tuấn cho biết nét đặc biệt của Quảng Ninh khác với các tỉnh thành phố khác là các chỉ số khá đồng đều, rất nhiều chỉ số nằm trong top 10 như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí không chính thức…
Với tình trạng chung trong cả nước, lĩnh vực khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư khó hài lòng nhất chính là thủ tục hành chính đất đai. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp Quảng Ninh thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua không gặp bất kỳ khó khăn nào thì Quảng Ninh là tỉnh có tỷ lệ cao nhất so với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (chiếm 65%).
Môi trường kinh doanh tại Quảng Ninh được đánh giá là tốt nhất so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và có xu hướng minh bạch hơn. Trong khi các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành khác cho biết cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu của thành phố là 69%, thì ở Quảng Ninh tỷ lệ này chỉ chiếm 53%.
Trong quá trình điều tra PCI Quảng Ninh, đoàn khảo sát nêu ra câu hỏi cho các doanh nghiệp Quảng Ninh về việc khi có khó khăn kiến nghị gửi các cơ quan chính quyền có được trả lời không? Đa phần các doanh nghiệp cho rằng các kiến nghị của doanh nghiệp đều được trả lời.
Sáng kiến thực hiện chỉ số đánh giá thực thi cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) mà Quảng Ninh thực hiện thời gian qua cũng là nét rất đặc biệt. Dù Quảng Ninh không phải là địa phương đầu tiên có sáng kiến nhưng lại là địa phương thực hiện bài bản và chuyên nghiệp nhất
Liệu có giữ được “ngôi vương”?
PCI Quảng Ninh năm 2018 đã có những thay đổi tích cực, tuy nhiên, đã có sự chững lại của các chỉ số. Khi so sánh PCI Quảng Ninh năm 2017 với năm 2018, điểm các chỉ số thành phần hầu như không có sự thay đổi lớn. Sự chững lại này theo ông Tuấn đánh giá đây là một điều đáng lo ngại.
Các chỉ số thành phần, sự hỗ trợ của Quảng Ninh đều được các doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên không phải mọi doanh nghiệp đều hài lòng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ.
Có thể bạn quan tâm
14:06, 23/04/2019
15:16, 22/04/2019
00:00, 22/04/2019
Một số điều Quảng Ninh cần lưu tâm là điểm số tiếp cận đất đai theo lĩnh vực hoạt động, ngành nghề liên quan đến những doanh nghiệp về xây dựng và công nghiệp thì hài lòng hơn so với nhóm nông – lâm – nghiệp. Những doanh nghiệp thành lập càng lâu, doanh nghiệp lớn chỉ số tiếp cận đất đai càng cao hơn so với những doanh nghiệp mới thành lập, những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Khi được hỏi về khó khăn cụ thể, 62% doanh nghiệp cho biết thời gian giải quyết dài hơn quy định pháp luật, 38% doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức, 13% doanh nghiệp cho biết cán bộ không hướng dẫn đầy đủ các thủ tục.
Doanh nghiệp càng lớn ở Quảng Ninh thì đánh giá sự minh bạch được thực hiện tốt hơn so với những nhỏ và vừa. Với chi phí không chính thức, nhóm doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trả lời tỷ lệ này rất cao so với nhóm doanh nghiệp lớn.
Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động tại Quảng Ninh thì vấn đề đào tạo được cho là rất tốt nhưng với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ cao, du lịch có thể sẽ đòi hỏi khắt khe, khó tính hơn. Đây cũng là vấn đề Quảng Ninh cần quan tâm.
Mặc dù hai năm liền Quảng Ninh đứng đầu chỉ số PCI cả nước nhưng với số điểm 70,36 mà Quảng Ninh đạt được trong năm 2018 thì khoảng cách đến thang điểm 100 vẫn còn rất lớn. Tổng điểm năm 2018 của Quảng Ninh thậm chí còn thấp hơn năm 2017 là 0,33 điểm và chỉ hơn Đồng Tháp 0,19 điểm. Điều đó cho thấy, nếu Quảng Ninh không nỗ lực cố gắng sẽ rất khó có thể giữ được ngôi vị đầu bảng.
Để cải cách, tiếp tục giữ ngôi đầu, Trưởng ban pháp chế khuyến nghị, Quảng Ninh cần rút gọn các thủ tục hậu đăng ký, kinh doanh. Doanh nghiệp ở Quảng Ninh phải mất 3 tháng hoàn tất các loại giấy tờ để chính thức đi vào hoạt động. Cần cải thiện hiệu quả trong phối hợp trong thanh, kiểm tra doanh nghiệp, Quảng Ninh vẫn còn khoảng 20% doanh nghiệp bị thanh tra từ 3 lần trở lên trong năm. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng cần tăng cường cải thiện chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao hơn nữa hiệu quả của toàn án và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.