Dịch COVID-19 qua đi đã mang theo vốn liếng của nhiều doanh nghiệp. Họ cần đến nguồn vay với lãi suất thấp để phục hồi.
>>Mục tiêu 15 triệu lượt khách năm 2023 của Quảng Ninh, có khả thi?
Nhiều doanh nghiệp cho biết một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là nặng chi phí tài chính, khi lãi suất cho vay vẫn cao. Trong trường hợp hoạt động kinh doanh thuận lợi, thì lãi suất cao các doanh nghiệp vẫn có khả năng trả. Tuy nhiên kinh doanh trên nguồn vốn lãi suất cao mà lợi nhuận thấp thì doanh nghiệp rơi vào thế "khó chồng khó". Tại Quảng Ninh, một thống kê hiện có trên 80-90% các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vấn đề chi phí lãi.
Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng - Vân Đồn, Chủ tịch CLB Đầu tư khởi nghiệp Vân Đồn, chia sẻ: “Công ty của chúng tôi cũng đang rất áp lực với tiền lãi suất hàng tháng để đảm bảo cho khoản vay hơn 10 tỷ đồng, vì có ngân hàng đang cho chúng tôi với mức lãi suất lên tới 12,5%/năm. Với mặt bằng lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn như hiện nay mà trên 10%/năm thì việc vay vốn ngân hàng sẽ khiến chi phí doanh nghiệp đội lên rất lớn. Vì thế, chúng tôi rất mong các ngân hàng cần có giải pháp làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi và phát triển sản xuất”.
>>Quảng Ninh: Nhiều dự án trên "đất vàng" bị bỏ hoang
Anh Nguyễn Văn Ninh, chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long chia sẻ: “COVID đã “đánh sập” rất nhiều tàu du lịch, đợt vừa rồi tôi đành rao bán tàu, nhưng ngay cả bán rẻ cũng không bán được. Vì vậy, tôi đành giữ lại, vay vốn ngân hàng để trùng tu, thuê nhân viên tiếp tục kinh doanh".
Anh Ninh cũng chia sẻ tỉnh Quảng Ninh đã có chính sách kích cầu du lịch nội địa rất tốt, nhưng nguồn thu về của doanh nghiệp vẫn rất ảm đạm. "Giờ tôi cũng cố cầm cự, chờ đợi khách quốc tế quay trở lại với Hạ Long, đây là nguồn khách với chi tiêu lớn và khi họ trở lại đội tàu du lịch mới có thể phục hồi như trước. Nhưng trong sự chờ đợi này, lãi suất ngân hàng mà không giảm thì sẽ rất khó khăn cho chúng tôi”.
Không chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong lịch vực du lịch, dịch vụ gặp khó mà hiện các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng lao đao vì cơn lốc tăng giá của nguyên nhiên liệu đầu vào.
Ông Phạm Phú Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Gốm mầu Hoàng Hà cho biết: “Hiện giá than cục, than cám đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước ngày 17/3/2022. Trước đó giá than chỉ có 3,4 triệu đồng/tấn nhưng nay đã tăng lên 6,4 triệu đồng/tấn. Mà giá nhiên liệu để sản xuất thông thường chiếm 40% giá thành sản xuất của một viên gạch. Điều này đã khiến cho giá gạch tăng cao, dẫn đến sức cạnh tranh giảm. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng của người dân đang siết chặt lại do ảnh hưởng của thị trường bất động sản nên lượng gạch tồn kho của Công ty đang rất lớn. Do đó, với lãi suất vay trên 10%/năm thì doanh nghiệp rất dễ rơi vào phát sinh nợ xấu, khó đảm bảo được việc làm, đời sống cho người lao động”.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng căn cứ khả năng, năng lực tài chính của mình tiếp tục giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với mức giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng đối tượng, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên.
Với sự chỉ đạo trên, đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân với mức giảm bình quân từ 1-1,5%/năm. Hiện lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh bằng VND ngắn hạn phổ biến ở mức 7-10%/năm; trung dài hạn phổ biến ở mức 10-12%/năm. Đơn cử như Ngân hàng MB áp dụng giảm 1% lãi suất cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV cũng triển khai gói vay ngắn hạn mới với quy mô 30.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi từ 8%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng...
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh hậu Covid tiếp tục kém thuận lợi, việc giảm lãi suất cho vay này vẫn chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của các doanh nghiệp; Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, vật liệu xây dựng…
Được biết, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh cũng đang tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền về một số kiến nghị liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp như có chính sách cơ cấu lại nợ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; mở rộng đối tượng và tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn Ngân sách nhà nước theo Nghị định 31.
Có thể bạn quan tâm
Mục tiêu 15 triệu lượt khách năm 2023 của Quảng Ninh, có khả thi?
06:05, 15/03/2023
“Điểm nghẽn” phát triển cảng biển Quảng Ninh
02:02, 15/03/2023
Quảng Ninh: Thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực cửa khẩu
01:14, 14/03/2023
Quảng Ninh: Đôn đốc, đẩy mạnh phân bổ giải ngân vốn đầu tư công
01:33, 01/03/2023