Ngư dân ở Quảng Ninh như “ngồi trên lửa” khi hàng nghìn tấn cá song chưa thể tiêu thụ trong dịp giáp tết Nguyên Đán 2022.
>>Quảng Ninh: Thủy sản tại Vân Đồn “điêu đứng” vì dịch
Ngư dân lo mất tết
Nếu như mọi năm, dịp giáp tết cá song là mặt hàng được săn đón nhiều nhất, người nuôi trồng ở Quảng Ninh nhờ đó mà cũng được đón tết tươm tất hơn, thì năm nay lại là một nỗi buồn với họ.
Đứng nhìn hàng 100 ô lồng cá song với khoảng 27 tấn cá đến thời kỳ xuất bán nhưng vẫn “mắc cạn”, ông Lưu Văn Diện, Phường Tân An (Quảng Yên) buồn bã chia sẻ: “Thời điểm này mọi năm khu vực Bến Giang tấp nập tàu thuyền chở cá về bờ, bán buôn cho các tiểu thương nhưng gần 2 năm nay, dịch bệnh COVID-19 làm sức mua cá song giảm, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn”.
Hiện, giá cá song bán cất đang dao động khoảng 150.000-180.000 đồng/kg”. So với năm ngoái, giảm 80.000-100.000 đồng/kg, nhưng thị trường tiêu thụ cũng rất chậm. Trong khi đó, hiện mỗi ngày gia đình phải đầu tư từ 3-5 triệu đồng tiền chi phí mua cá mồi cho cá song ăn, giờ gia đình tôi như “ngồi trên lửa”, không biết những tấn cá song này có thể tiêu thụ hết hoặc phần nào đó để ra đình có thể đón tết vui vẻ được không”, ông Diện lo lắng nói.
Vừa chia sẻ với PV, anh Dương Văn Thanh, thôn Thống Nhất, phường Tân An, thị xã Quảng Yên cho biết: “Gia đình anh có 60 ô, lồng nuôi trồng thủy sản với hơn 10 tấn cá chưa bán được. Gia đình chấp nhận lỗ để thu hồi vốn nhưng vẫn chưa thể bán. “Như năm ngoái, thương lái thu mua hết rồi. Giá cá mồi cho cá ăn hiện nay 11.000 đồng đến 12.000 đồng, rẻ nhất là 10.000 đồng/cân. Thời điểm này chỉ mong là cá thương phẩm được 150.000 -160.000 đồng/cân là chúng tôi cũng sẽ bán hết để lên bờ”.
Ông Bùi Huy Phúc, khu 2 phường Tân An cho biết: "Với lượng cá 7-8 tấn như nhà tôi thì mỗi ngày tiết kiệm cũng mất 2 triệu tiền cá mồi là cá tự nhiên. Rất đắt mà tiền không có để mua cho ăn liên tục, phải cho ăn cách ngày. Cá không tiêu thụ được thì không có tiền trả ngân hàng. Giờ chẳng mong tết sẽ mua sắm gì, chỉ mong là được hỗ trợ tiêu thụ phần nào để trả lãi ngân hàng thôi”.
>>Quảng Ninh: Thủy sản tại Vân Đồn “điêu đứng” vì dịch
>>Quảng Ninh xây trung tâm giao dịch “giải cứu” nông sản ùn tắc
Đây cũng là nỗi lo chung của bà con nuôi cá song tại phường Tân An. Được biết, Tân An là địa phương nuôi trồng thủy sản lớn nhất thị xã Quảng Yên với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của phường hiện là 450ha, trong đó 50 hộ nuôi cá lồng bè như cá song, cá vược và cá giò. Hiện toàn thị xã Quảng Yên có hơn 200 tấn cá song đến kỳ tnhưng không thể tiêu thụ
Trong khi đó, tại huyện Vân Đồn có 20 hộ dân với khoảng 500 tấn cá song cũng đang bí đầu ra. Ông Nguyễn Văn Thìn, thị trấn Cái Rồng cho biết: “Lượng cá song tồn đọng không bán được khiến cho nhiều hộ dân gặp khó khăn do chi phí thức ăn hằng ngày cho cá tăng theo. Không những thế nếu không tiêu thụ kịp thời cá song nuôi dễ bị rủi ro do dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất”.
Vẫn là “giải cứu”
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: Sau khi nắm bắt được số lượng cá song còn tồn đọng trong các ô lồng nuôi trồng thủy sản của người dân, địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai công tác hỗ trợ. Trước mắt là kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc để được hỗ trợ tiêu thụ lượng cá song đang tồn. Nếu như 2 đơn vị này nhận hỗ trợ thì 500 tấn cá song sẽ kịp thời tiêu thụ hết trong dịp Tết, giúp người dân có thêm nguồn vốn để tái đầu tư vào vụ nuôi mới.
Để giải cứu hàng nghìn tấn cá song đang “mắc cạn”, cùng với giải pháp mà huyện Vân Đồn đang triển khai, bà Nguyễn Hoài Thương, PGD Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Sở đã báo cáo Bộ Công Thương và các sở Công Thương các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản trong dịp Tết này. Hiện chúng tôi đã lập danh sách rất cụ thể với số lượng, số điện thoại và đơn giá của từng sản phẩm cần hỗ trợ tiêu thụ gửi công khai tới các sở ngành và các doanh nghiệp để họ trực tiếp kết nối, tiêu thụ cho người dân”.
Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp có điểm bán hàng phù hợp với thực tế dịch bệnh tại địa phương, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu, mở rộng các kênh tiêu thụ nội địa. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân tự cân đối giá thành để xuất bán, thu hồi vốn, hoặc bán lẻ tại các chợ nhằm hạn chế những rủi ro về dịch bệnh khi chưa tiêu thụ được thủy sản.
Hy vọng, việc “giải cứu” trên thêm một lần diễn ra suôn sẻ để ngư dân kịp đón tết vui vẻ. Tuy nhiên, sự việc này lại nhắc chung ta thêm một về "giải cứu". Không thể cứ “giải cứu” mãi, cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp căn cơ bền vững hơn, để đến khi vào vụ thu hoạch, người dân không phải lo lắng như những gì đã diễn ra trong thời gian qua, đặc biệt là 2 năm đại dịch.
Có thể bạn quan tâm