Chuyển đổi số (CĐS) mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên CĐS vẫn còn những “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai thực hiện.
Vẫn còn nhiều điểm nghẽn
Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh Quảng Ninh đã từng bước được kích hoạt. Trong quá trình triển khai các đầu việc liên quan đến CĐS, nhiều khó khăn, nhiều “điểm nghẽn” từ thực tiễn cần phải có giải pháp và sự quyết tâm khắc phục.
Thành phố Hạ Long là thủ phủ của tỉnh, đặc biệt là địa phương dẫn đầu chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2023 và 2024. Trong quá trình triển khai, thành phố cũng đã có những khó khăn, vướng mắc. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin TP Hạ Long cho biết: Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, khó khăn lớn nhất đối với thành phố là người dân, vì không phải ai cũng hiểu rõ và biết về lợi ích của chuyển đổi số.
Đặc biệt người dân các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, người lớn tuổi, dẫn đến tâm lý ngại thay đổi thói quen từ truyền thống sang môi trường số, ngại tìm hiểu và thử cái mới, lo ngại sợ bị kẻ xấu lợi dụng công nghệ cao lừa đảo. Cùng với đó, việc triển khai hạ tầng số đến các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn về xây dựng, đường truyền tín hiệu, về cung cấp điện năng để vận hành hoạt động…Đối với địa phương vùng cao, công tác chuyển đổi số còn gặp khó khăn hơn trong quá trình thực hiện. Điển hình như huyện Đầm Hà là huyện có đông đồng bào DTTS, gặp rất nhiều thách thức.
Ông Tô Xuân Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết: Khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của huyện vì Đầm Hà là huyện thuần nông, trong đó phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số có mức thu nhập thấp, hạn chế trong việc đầu tư cho thiết bị hoặc dịch vụ số. Một bộ phận đồng bào DTTS còn hạn chế về trình độ, gây khó khăn trong việc tiếp cận và sử dụng các ứng dụng công nghệ số. Ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng mạng Internet đã được phủ sóng đầy đủ nhưng tốc độ kết nối đôi khi chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng. Việc sử dụng tiếng Việt không thông thạo của một số người DTTS khiến họ khó hiểu và tiếp cận các hướng dẫn, dịch vụ công trực tuyến; thiếu nguồn nhân lực chuyên môn. Ở các xã vùng cao, số lượng cán bộ có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin còn ít, khó đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số...
Thêm nữa nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về CĐS dù được nâng lên nhưng trên thực tế vẫn còn một số khó khăn như nhân lực CNTT còn hạn chế. Được biết hiện cấp huyện xã thiếu nhân lực về đại học CNTT. Hạ tầng cơ sở thông tin như máy móc, trang thiết bị chưa đồng bộ. Trong đó, hạ tầng số, nền tảng số chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, chưa thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Quyết tâm “gỡ”
Ông Dường Phúc Văn – Bình Liêu bày tỏ, bản thân đã sử dụng điện thoại thông minh từ lâu nhưng chỉ để đọc báo, tìm hiểu tin tức. Dù biết đến hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã lâu, nhưng khi cần thực hiện các TTHC ông vẫn trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị để làm do sợ quá trình thực hiện, thao tác sẽ xảy ra sai sót.
Còn chị Hoàng Thị Lan – Hải Hà chia sẻ: Khi cần làm giấy tờ sang nhượng đất đai, chị cũng đến trực tiếp tại bộ phận Một cửa của huyện chứ không biết đến việc làm qua hệ thống trực tuyến như thế nào. Theo chị Lan, thường ngày chị chỉ sử dụng điện thoại để nghe gọi chứ chẳng biết dùng mạng xã hội nói gì đến làm giấy tờ, thủ tục.
Có thể nói, do tâm lý e ngại thay đổi nên sự tham gia của người dân, doanh nghiệp thực hiện CĐS còn chậm. Cùng với việc năng lực kinh doanh, nguồn nhân lực CNTT còn hạn chế, yếu tố tài chính chưa đủ mạnh khiến họ ngại tiếp cận công nghệ mới, kiến thức, kỹ năng số, các vấn đề về an toàn thông tin khi giao dịch trên môi trường số…Có thể nói điểm nghẽn trong chuyển đổi số của các địa phương vùng núi biên giới và hải đảo là khó khăn chung.
Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong chuyển đổi số tại địa phương và đơn vị, hiện nay tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm vừa thực hiện được các mục tiêu, yêu cầu đề ra trong triển khai chuyển đổi số toàn diện và Đề án 06.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện. Rà soát, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, chủ động ngăn ngừa, cảnh báo sớm đối với các rủi ro từ tỉnh tới cơ sở. Tổ chức triển khai thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Phát huy vai trò Tổ công nghệ số cộng đồng và doanh nghiệp trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục nâng cấp, đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ việc giải quyết thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả. Kịp thời thay thế các trang thiết bị, máy móc công nghệ thông tin đã xuống cấp tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ông Đỗ Quang Sáng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Quảng Ninh: Để khắc phục “điểm nghẽn” trong chuyển đổi số, các ban ngành địa phương cần đẩy mạnh tuyên tuyền nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị của địa phương về CĐS, bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh cần hỗ trợ các địa phương vùng sâu, vùng xa về nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở để triển khai các nội dung CĐS một cách đồng bộ.