Chuyển đổi số

Quảng Ninh: Phấn đấu đi đầu về chuyển đổi số toàn diện

Trung Thành 15/11/2024 21:00

Tỉnh Quảng Ninh đang phấn đấu trở thành một trong những hình mẫu về chuyển đổi số trong cả nước.

Tiện ích cho người dân, doanh nghiệp

Chuyển đổi số (CĐS) đã mang lại rất nhiều tiện ích trong đời sống xã hội. Hiện nay người dân, doanh nghiệp tại Quảng Ninh có thể thực hiện các thủ tục hành chính ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào bằng các thiết bị có kết nối Internet.

Đại diện Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh cho biết, thay cho việc phải duy trì một bộ phận nhân sự làm nhiệm vụ chấm công, các ca đi làm báo qua trưởng kíp, thống kê, mất thời gian, hiện nay người lao động khi đến nhà máy chỉ cần “check in” tại cổng qua hệ thống camera AI. Ngay lập tức, camera sẽ nhận diện khuôn mặt, chuyển thông tin dữ liệu của người lao động về bộ phận nhân sự. Qua đó, giúp công tác thống kê lưu trữ và tính công lương làm việc của người lao động một cách đầy đủ, chính xác. Toàn bộ quá trình được thực hiện tự động hóa, loại bỏ mọi gian lận, quản lý thời gian hiệu quả. Giúp bộ phận quản lý nhân sự giảm tải khối lượng công việc đến 90%.

2(2).jpg
Hệ thống giám sát áp lực, lưu lượng nước của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh giúp doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát, vận hành nước (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Còn ông Trịnh Văn Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, cho biết: CĐS đang là giải pháp mà Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh (Quawaco) chú trọng trong những năm gần đây để đáp ứng nhu cầu cung cấp nước cho trên 240.000 hộ khách hàng.

Hiện công ty đang áp dụng các công nghệ tự động hóa vào sản xuất cấp nước, trong đó có 2 nhà máy nước và 10 trạm bơm đã áp dụng tự động hóa hoàn toàn, tạo thuận lợi cho công nhân, cũng như tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước phục vụ dân sinh.

Theo ông Bình: Hướng tới hệ thống cấp nước thông minh, Quawaco đang sử dụng các thiết bị điều khiển công nghệ cao như hệ thống quản lý lưu lượng và áp lực từ xa (SCADA) với 230 điểm giám sát trên toàn hệ thống mạng cấp nước. Điều này giúp tăng hiệu quả vận hành, giảm chi phí nhân lực và cải thiện khả năng phản ứng nhanh chóng với các sự cố. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số, công nghệ số trong kinh doanh để nâng cao sự tiện ích cho khách hàng.

Điển hình như kênh chăm sóc khách hàng qua Zalo OA, ứng dụng My Quawaco, thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt… giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chủ động thanh toán và tăng tương tác, giải quyết bất cập, sự cố.

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành các nhiệm vụ Đề án 06 giai đoạn 2022-2025, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, dưới sự lãnh đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm trở thành địa phương điển hình, đi đầu trong CĐS toàn diện, hướng đến trở thành mô hình CĐS mẫu của cả nước trong việc áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ để điều hành hoạt động phát triển KT-XH.

1(2).jpg
Công ty TNHH Thuốc tốt Pharma (TP Hạ Long) đặt mục tiêu tiếp tục khai thác tốt thế mạnh của công cuộc chuyển đổi số, nhằm tăng giá trị và mức độ phủ sóng trên thị trường (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Bước tiến toàn diện

Kế thừa những ưu điểm, hiệu quả của hệ thống Chính quyền điện tử đã được tỉnh Quảng Ninh đã triển khai xây dựng trước khi tiến trình chuyển đổi số diễn ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh đang tiếp tục sử dụng, khai thác hiệu quả các ứng dụng, phần mềm, hệ thống CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, chuyên môn.

Hiện 100% các văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh (trừ văn bản mật theo quy định) được xử lý trên môi trường điện tử; 100% TTHC được cung cấp trực tuyến, trong đó có 91% số hồ sơ TTHC được thực hiện 5 bước (tiếp nhận, giải quyết, trình, ký số, trả kết quả), tạo sự công khai, minh bạch, thuận lợi, tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan chính quyền các cấp. Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh trở thành khung tham chiếu của cả nước, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho xây dựng Chính phủ điện tử.

Nền hành chính được hiện đại hóa, thể hiện rõ nét qua việc thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, cách thức làm việc và phục vụ của cơ quan nhà nước nhờ ứng dụng CNTT. Trong trục Kinh tế số, tỉnh đã đạt được nhiều bước tiến trong hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đến hết tháng 9/2024, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 3,4 triệu tài khoản cá nhân, gần 62.000 tài khoản doanh nghiệp.

3(2).jpg
Quảng Ninh phấn đấu đi đầu về chuyển đổi số toàn diện (Ảnh minh họa)

Trong đó có hơn 2,5 triệu tài khoản đang hoạt động, hơn 595.000 tài khoản mở bằng hình thức xác minh danh tính điện tử, nhận diện khách hàng bằng công nghệ AI dựa vào thông tin sinh trắc học, giấy tờ tùy thân... Bình quân toàn tỉnh có 2,5 tài khoản đang hoạt động/người dân từ 15 tuổi trở lên. Bên cạnh đó toàn tỉnh còn có gần 802.000 tài khoản ví điện tử được sử dụng trên nền tảng di động được định danh qua số điện thoại chính chủ.

Đến hết tháng 9/2024, theo số liệu thống kê có 70% sản phẩm OCOP từ 3 sao của Quảng Ninh được quảng bá, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử có tên tuổi của Việt Nam như: Voso, Postmart, Tiki… Sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh hiện giới thiệu và bán 393/393 sản phẩm OCOP từ 3-5 sao của tỉnh. Ký kết hợp tác với các đối tác phân phối chuyên nghiệp, như: Giao hàng nhanh - GHN Express, giao hàng Viettel - Viettel Post, VNPT - VietNamPost... và thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 19 chợ hạng I; 11 chợ hạng II và 13 chợ hạng III triển khai mô hình Chợ 4.0. Trong đó, 100% các chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí, thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 83%...

Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Quảng Ninh Nguyễn Trung Tiến chia sẻ: Sau gần 3 năm triển khai Đề án 06, Quảng Ninh đã đạt gần 50% yêu cầu trên cả 3 trụ cột của chuyển đổi số là: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Số dịch vụ công được cung cấp trực tuyến đạt trên 98,5%. Quảng Ninh là địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc hàng đầu cả nước.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và 13 trung tâm hành chính công cấp huyện đều đã thực hiện thu phí, lệ phí hoàn toàn không dùng tiền mặt; giúp người dân, doanh nghiệp tiết giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính; góp phần nâng cao tính minh bạch, phòng ngừa tiêu cực trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, xây dựng nền hành chính hiện đại, liêm chính, vì nhân dân phục vụ.

Theo ông Tiến: Đề án 06 đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Nổi bật là việc truy cập, cung cấp dữ liệu quốc gia về dân cư đã giúp hỗ trợ nhà nước quản lý, người dân dễ dàng tiếp cận các thủ tục hành chính với quy trình rút gọn, thông qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Xác định CĐS là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, ngày 5/2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về CĐS toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, đề ra mục tiêu 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu CĐS. 100% tổ chức, cá nhân có kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử. Phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 50 doanh nghiệp số, trong đó, có ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển các sản phẩm, dịch vụ số.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều quyết sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Tiêu biểu là Kế hoạch số 110/KH-UBND năm 2023 về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về CĐS. Kế hoạch 83/KH-UBND năm 2024 về triển khai Nghị quyết 155/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững đến năm 2025…

Tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm tổ chức các chương trình kết nối, hội thảo, tập huấn về chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Phấn đấu đi đầu về chuyển đổi số toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO