Quảng Ninh đã phát huy lợi thế “biển bạc”, từng bước thúc đẩy ngành thủy sản, tập trung nuôi biển phát triển bền vững.
Đẩy mạnh nuôi biển
Tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 6.100 km2 mặt biển, cùng đường bờ biển dài 250 km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên. Địa phương này có hai vịnh lớn là Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và 2.077 hòn đảo, chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước. Ngoài ra, còn có trên 40.000 ha bãi triều, trên 20.000 ha diện tích eo biển và vịnh kín. Đây là điều kiện lý tưởng để tỉnh Quảng Ninh phát triển nuôi biển.
Ngoài ra, ngư trường Quảng Ninh là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, với trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản phong phú, đa dạng, có khả năng cho phép khai thác bền vững hằng năm khoảng 52.000 tấn.
Ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, biển Quảng Ninh là tài nguyên lớn đa dạng, phong phú, khai thác lâu dài. Đây là cơ sở để thực hiện Chiến lược kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh và của Quốc gia, bắt đầu tư nuôi biển một cách bền vững.
Được biết, với tiềm năng, lợi thế từ biển, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm thuỷ sản miền Bắc. Hiện, tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch trên 50.000ha nuôi nội địa và trên 45.000ha nuôi biển với quan điểm phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, gia tăng giá trị, bền vững gắn với bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã sắp xếp lại ngành thủy sản theo hướng giảm đánh bắt tăng nuôi trồng, chuyển đổi vật liệu vùng nuôi từ phao xốp sang phao công nghệ HDPE thân thiện với môi trường… Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Quảng Ninh đã chuyển đổi thành công 10 triệu quả phao xốp sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nuôi trồng thuỷ sản nói riêng và kinh tế biển nói chung tiếp tục được tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh quan tâm mở rộng đầu tư sản xuất. Địa phương này cũng đẩy mạnh xây dựng các chuỗi liên kết nuôi trồng thủy sản, thu hút đầu tư chế biến, phát triển thị trường, hậu cần nghề cá, xây dựng các mô hình đồng quản lý. Đồng thời, đào tạo, ứng dụng khoa học, hợp tác phát triển thuỷ sản…
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Nguyễn Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP cho biết, việc nuôi biển bằng vật liệu bền vững và tích hợp công nghệ hiện đại, định vị số sẽ là giải pháp lâu dài để phục hồi, tái đầu tư bền vững. Đặc biệt, sau cơn bão số 3 Yagi, doanh nghiệp cũng như một số cá nhân, doanh nghiệp khác đang nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã mất rất nhiều lưới và loài nuôi nhưng tài sản là lồng HDPE vẫn còn nguyên vẹn. Qua đó cho thấy, vật liệu HDPE một lần nữa được chứng minh tại Việt Nam là một vật liệu chắc chắn với thời gian.
Tạo giá trị gia tăng
Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.
Tại tỉnh Quảng Ninh, tính trong 10 năm (2013-2023), sản lượng thủy sản nuôi của tỉnh tăng từ 89.000 tấn lên hơn 175.000 tấn/năm. Chỉ tính trong năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đạt 42.292ha. Trong đó nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324,6 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608,5 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716,1 tấn. Giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh Quảng Ninh năm 2023 đạt 6.943 tỷ đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929 tỷ đồng, chiếm gần 50% giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, mục tiêu của tỉnh Quảng Ninh là thu hút đầu tư và tạo ra sản phẩm mới cho du lịch biển, tận dụng tài nguyên phong phú mà tỉnh sở hữu. Tỉnh Quảng Ninh đã xác định lợi thế của tỉnh trong phát triển ngành nuôi biển, với chủ trương tránh mâu thuẫn với ngành du lịch mà thay vào đó tạo ra giá trị gia tăng.
Còn theo bà Nguyễn Hải Bình, phía doanh nghiệp đang cùng tỉnh Quảng Ninh xây dựng các liên kết chuỗi trong nuôi biển, chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp, thay đổi nhận thức người nuôi trồng thủy sản, tập trung vào chuyển đổi sang vật liệu mới.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung tổ chức sản xuất, quản lý nuôi trồng thuỷ sản trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, liên vùng. Cụ thể, theo không gian, khu vực biển, trong vùng 3 hải lý theo hướng giảm quy mô, mật độ nuôi nhằm tạo sinh kế, sắp xếp ổn định người nuôi, chủ tàu cá chuyển đổi sang nuôi trồng; kết hợp tổ chức sản xuất giải quyết sinh kế với thu hút doanh nghiệp để phát triển nuôi theo chuỗi giá trị và quy mô lớn. Cùng với đó, bố trí sắp xếp hợp lý vùng nuôi biển từ 3-6 hải lý dựa trên sức tải môi trường. Tại vùng ngoài 6 hải lý, địa phương này phát triển nuôi biển công nghiệp, quy mô tối thiểu từ 50ha trở lên đầu tư nuôi biển quy mô lớn, công nghệ cao, với các đối tượng có lợi thế cạnh canh và ưu thế về thị trường tiêu thụ.
Theo vùng gắn với đối tượng nuôi, tỉnh Quảng Ninh tập trung phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo lợi thế vùng như: vùng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao; vùng nuôi nhuyễn thể gồm hầu Thái Bình Dương, hầu cửa sông; vùng nuôi các loài bản địa như bào ngư, tu hài; vùng trồng các loài rong, tảo biển; vùng nuôi cá biển công nghiệp gồm cá song, cá vược, cá chim...
Đặc biệt, sau bão số 3, tỉnh Quảng Ninh có gần 3.000 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề, thậm chí có hộ bị thiệt hại từ 30-70%, nhiều hộ mất trắng tài sản, con giống do bão. Để người nuôi trồng thuỷ sản khẩn trương bắt tay vào khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế, các địa phương có biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện đã và đang thực hiện thủ tục giao biển cho các cá nhân, tổ chức, hợp tác xã. Bên cạnh đó, chính quyền, một số ngân hàng cũng đã xây dựng một số giải pháp, chính sách hỗ trợ về tài chính cho các hộ nuôi trồng thủy sản.