Quảng Ninh luôn ưu tiên, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào tỉnh với những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt.
>>>Bình Dương tổ chức hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư Nhật Bản
>>>Nghệ An: Xúc tiến đầu tư phù hợp tình hình mới
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh tại hội nghị Xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản vảo tỉnh Quảng Ninh năm 2021 với chủ đề “Quảng Ninh – Hội tụ và lan toả”.
Quảng Ninh – dư địa phát triển mới
Trong 10 năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh đã có bước phát triển đột phá, trở thành trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, là cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc, Việt Nam. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016-2021). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. Diện mạo thành thị và nông thôn thay đổi rõ rệt. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt trên 7.000 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước.
Đặc biệt, năm 2020 và 2021 dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, tỉnh Quảng Ninh là địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch COVID-19, giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, thực hiện thành công “mục tiêu kép” với tốc độ tăng trưởng GRDP cả hai năm đều đạt trên 10%, thu ngân sách nhà nước nằm trong tốp dẫn đầu cả nước.
Hiện nay tỉnh Quảng Ninh đang tập trung hoàn thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dự kiến đầu năm 2022 sẽ đưa vào khai thác, sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số km đường cao tốc đi qua địa bàn. Vừa qua, tỉnh đã khởi công Dự án cảng Vạn Ninh tại TP Móng Cái, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, 3 và đang tập trung đẩy nhanh tốc độ triển khai tuyến đường ven sông tốc độ cao kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều - Quảng Yên - Uông Bí.
>>Nghệ An: Xúc tiến đầu tư phù hợp tình hình mới
>>Bình Dương tổ chức hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư Nhật Bản
Những công trình đó đã và đang mở ra không gian phát triển mới, dư địa phát triển mới, mang tính đột phá, tạo nên hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với các hành lang giao thông mà các KCN, KKT trọng điểm Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái và KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô - Đồng Văn được kết nối đồng bộ về hạ tầng giao thông hiện đại đang hiện hữu, tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội trong thúc đẩy hợp tác quốc tế và liên kết vùng, liên vùng, nội vùng đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực hợp tác Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, tứ giác, hành lang phát triển Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng - Thanh Hóa.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn, bày tỏ ấn tượng trước những số liệu về hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam trong những năm vừa qua, với trên 4.700 dự án và vốn đầu tư đăng ký đạt gần 64 tỷ USD, đứng thứ 2 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt là trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng các Nhà đầu tư Nhật Bản vẫn đặt niềm tin vào môi trường đầu tư - kinh doanh và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, đối với Quảng Ninh số lượng các dự án của Nhật Bản còn rất khiêm tốn - chỉ 6 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 45 triệu USD.
Ông Nguyễn Tường Văn khẳng định, Quảng Ninh nhiều dư địa để kêu gọi thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, điện tử viễn thông, dược phẩm, phát triển khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật số, các nhóm ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió…; nhất là tại các địa bàn trọng điểm như: TP Hạ Long, KKT Vân Đồn, Quảng Yên và Móng Cái. Để tiếp tục xây dựng Quảng Ninh trở thành “Điểm đến đầu tư an toàn, thân thiện và thành công của các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng”, Quảng Ninh sẽ nỗ lực hết sức mình để thực hiện các cam kết nhằm thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với Quảng Ninh.
Cam kết đồng hành
Với những thế mạnh nổi trội, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh khẳng định, luôn ưu tiên thu hút đầu tư, sẵn sàng tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào tỉnh với những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt, nhất là dịch vụ tổng hợp hiện đại; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; kinh tế biển, logistics, cảng biển và dịch vụ cảng biển; nông nghiệp sinh thái; các nhóm ngành thúc đẩy kinh tế xanh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, điện khí, điện gió…
Quảng Ninh cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản; cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh và đem sức mạnh lan tỏa, chia sẻ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tỉnh phát triển song hành.
Ngay sau hội nghị, tỉnh Quảng Ninh sẽ thành lập một tổ hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Quảng Ninh với tinh thần Quảng Ninh sẽ làm những gì có thể để nhà đầu tư thuận lợi nhất triển khai dự án. Đồng thời, thành lập đầu mối tiếp nhận các thông tin phản ánh y tế 24/7 của nhà đầu tư Nhật Bản nhằm xử lý các tình huống phát sinh. Đối với nguồn lao động, tỉnh cam kết sẽ vừa tập trung đào tạo tại chỗ, vừa thu hút nhân lực chất lượng cao và sẽ tập trung ưu tiên đào tạo các ngành nghề và doanh nghiệp Nhật Bản cần – Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.
Đồng thời đề nghị, Quảng Ninh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và phối hợp của Đại sứ quán Nhật Bản; các tổ chức xúc tiến, kết nối đầu tư - thương mại, kết nối doanh nghiệp và thị trường để thúc đẩy các hoạt động hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội, tham vấn cho tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị các điều kiện thuận lợi về hạ tầng, cơ chế chính sách, nhân lực thông thạo tiếng Nhật và có kĩ năng nghề đạt chuẩn... làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư chiến lược của Nhật Bản, nhất là các tập đoàn, công ty lớn từ Nhật giữ vai trò dẫn dắt như “Sếu đầu đàn” để tạo được một "khu Nhật Bản trong lòng Quảng Ninh".
Có thể bạn quan tâm