Tỉnh Quảng Ninh đã, đang chủ động nắm bắt cơ hội, đón làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trên thế giới để tăng tốc, bứt phá.
Không ngừng đổi mới
Năm 2024, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có, đặc biệt là cơn bão lịch sử Yagi gây ra những thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh. Trong nước, sự cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương trên cả nước cũng diễn ra mạnh mẽ. Tuy vậy, tỉnh Quảng Ninh vẫn chủ động nắm bắt cơ hội, đón làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trên thế giới để tăng tốc, bứt phá.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2024, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn đạt trên 2,8 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Đây là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2024.
Theo ông Phạm Xuân Đài – Trưởng ban Ban quản lý KKT Quảng Ninh, quy mô nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh ngày càng lớn, cùng với đà tăng trưởng nhiều năm liên tục, tạo tiền đề, nền tảng cơ bản để tiếp tục đổi mới, hội nhập và phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát huy hiệu quả. Đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể.
“Quảng Ninh là địa phương có nhiều KKT và KCN với diện tích, quy mô lớn là địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất Việt Nam. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư được hưởng thụ thực chất từ những nỗ lực cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương luôn dẫn đầu cả nước. 7 năm liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh giữ vị trí top đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), 11 năm nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước. Đây là những điều kiện quan trọng, thuận lợi để Quảng Ninh trở thành điểm sáng hấp dẫn thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước suốt thời gian qua”, ông Đài cho biết thêm.
Thực tế, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới công tác thu hút đầu tư. Các chương trình xúc tiến đầu tư được xây dựng cụ thể theo hướng đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh Quảng Ninh cũng tập trung xúc tiến đầu tư vào các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu.
Đặc biệt, địa phương này luôn kiên định với mục tiêu tạo dựng chuỗi sản xuất, cung ứng kết nối với mạng lưới toàn cầu. Ưu tiên những dự án thế hệ mới, thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường nhằm bắt kịp xu thế sản xuất thông minh trên thế giới. Qua đó, đẩy nhanh tiến trình liên kết, thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại các KCN.
Theo Ban quản lý KKT Quảng Ninh, trong năm 2024, đơn vị đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh làm việc trực tiếp với 6 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài lớn gồm: Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Tập đoàn TCL (Trung Quốc), Tập đoàn Foxconn (Đài Loan), Đoàn Bộ Công thương Singapore, Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), Tập đoàn AGC (Nhật Bản) và trực tiếp làm việc với trên 50 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài khác đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh.
Giữ lửa thu hút đầu tư
Thực tế, các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng. Đồng thời, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh Quảng Ninh.
Tính đến nay, các KCN, KKT trên địa tỉnh Quảng Ninh có tổng số 350 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực, gồm 146 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 10,05 tỷ USD và 204 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 130,37 nghìn tỷ đồng.
Năm 2025, với chủ đề công tác “Bứt phá trong phát triển kinh tế, tạo đà cho nhiệm kỳ mới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào mục tiêu tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng bền vững. Cụ thể, địa phương này sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, chú trọng vào công nghiệp chế biến, chế tạo, và ngành Than. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh sẽ thu hút vốn FDI vào các KCN, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Địa phương này cũng đang tiếp tục ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối trong, ngoài các KCN, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư cho các KCN, KKT của tỉnh thông qua các Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn, Đề án xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho các KCN, KKT của tỉnh…
Ông Phạm Xuân Đài cho biết, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định, tạo thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn, có thương hiệu vào các KCN của tỉnh. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng cao. Phát triển theo chiều sâu các KCN, tăng tính liên kết giữa các KCN của Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố lân cận, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn, tập hợp các ngành liên kết.
Cũng theo ông Đài, thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh tổ chức triển khai lập và hoàn thành dứt điểm Quy hoạch chung xây dựng KKT ven biển Quảng Yên đến năm 2040, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn (huyện Bình Liêu), điều chỉnh mở rộng KCN Đông Mai (thị xã Quảng Yên), KCN Việt Hưng (TP Hạ Long), khu vực đảo Cống Đông - Cống Tây, KKT Vân Đồn, KCN Tiên Yên... Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư từ các thị trường có thế mạnh về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện tử, bán dẫn và các ngành công nghiệp hỗ trợ, như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore… Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng KCN, tạo quỹ đất đủ lớn để đáp ứng công tác thu hút đầu tư năm 2025 và các năm tiếp theo.
Theo ông Bàng Cương Chí - Chủ tịch Tập đoàn An Tín, tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương có tốc độ phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, thu hút FDI… Phía doanh nghiệp mong rằng, thời gian tới sẽ có nhiều hơn nữa những cơ hội tìm hiểu, khảo sát tại Quảng Ninh để từ đó mở ra những cơ hội để doanh nghiệp tăng cường hợp tác đầu tư tại Quảng Ninh.