Được ví “là đất nước Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh có vị trí chiến lược có một không hai và tiềm năng nổi bật về phát triển kinh tế biển.
>>>Chạy nước rút cho công trình trọng điểm kết nối Hải Phòng - Quảng Ninh
Quảng Ninh có hệ thống cảng, bến như: Cái Lân, Cửa Ông, Vạn Gia, Mũi Chùa, khu bến Yên Hưng… có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn, có nhiều tiềm năng khai thác tổng hợp, thuận lợi cho ngành vận tải đường biển giữa nước ta và các nước trên thế giới. Đặc biệt, với kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO tôn vinh là Di sản thiên nhiên thế giới, bãi cọc Bạch Đằng, đền Cửa Ông, đình Quan Lạn, Trà Cổ, đảo Cô Tô, Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh.
Từ du lịch biển
Quảng Ninh cũng có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch tàu biển. Nhiều tàu biển du lịch quốc tế nổi tiếng thế giới như: Superstar Cemini, Costa Victoria, Europa2, Azamara… Được coi là loại hình du lịch "hạng sang", du lịch tàu biển quốc tế đến Hạ Long đang dần phục hồi và sôi động trở lại. Quảng Ninh cũng đang tích cực chuẩn bị, đổi mới các tour tuyến nhằm thu hút dòng khách này.
Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch tàu biển quốc tế đến Hạ Long đang dần "ấm" lên với hàng chục chuyến tàu biển cập bến trong mùa du lịch tàu biển năm nay. Riêng trong tháng 11, Hạ Long đã đón siêu du thuyền Celebrity Solstice (quốc tịch Malta) cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đem theo gần 2.700 du khách châu Âu, Mỹ (ngày 13/11).
Nối tiếp sau đó là một tàu khách quốc tế hạng sang khác mang tên Regatta đã tới, mang theo 700 khách đến từ châu Âu, Mỹ. Hạ Long là điểm khám phá đầu tiên trong hải trình xuyên Việt của du khách trên tàu. Trước đó là 2 tàu biển cao cấp Viking Orion (quốc tịch Na Uy) và Silver Muse (quốc tịch Bahamas) đến Hạ Long vào ngày 27/10…
Đó là những tín hiệu đáng mừng, đặc biệt là có sự trở lại của nhiều hãng tàu biển nổi tiếng như: Celebrity Solstice, Noordam, MSC Splendida, Westerdam… Không chỉ vậy, lịch đón tiếp các hãng tàu biển cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đang được nối dài tới đầu năm 2024. Đáng chú ý nữa là các chuyến tàu biển tới Hạ Long trong mùa tàu biển 2023-2024 đã quay lại theo lịch trình định tuyến. Thống kê cho thấy, đã có trên 18 chuyến tàu biển quốc tế đăng ký đưa khách vào Vịnh Hạ Long, bắt đầu từ cuối tháng 10 đến hết năm 2023.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch nói chung và du lịch tàu biển nói riêng chịu tác động lớn. Vì vậy, để đón đầu lượng khách du lịch tàu biển tới Hạ Long trong thời gian tới, Quảng Ninh đang tích cực thực hiện các giải pháp phục hồi du lịch. Trong đó, ngành du lịch tích cực phát triển các tour, tuyến du lịch mới, xây dựng điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ, các điểm tham quan du lịch cho du khách tàu biển.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Chi nhánh Du lịch Tân Hồng tại Quảng Ninh cho biết: Đơn vị kỳ cựu chuyên đón khách du lịch tàu biển, thì du khách tàu biển là dòng du khách quốc tế chi trả cao và cũng có yêu cầu khá cao về điểm đến, các tour tuyến tham quan khi tàu cập bến.
Có lẽ vì thế, Quảng Ninh cũng đã thúc đẩy đầu tư, ra mắt các cơ sở hạ tầng, xây dựng các điểm, tour du lịch mới hấp dẫn, phù hợp cho khách du lịch nói chung và dòng khách tàu biển nói riêng, như: Khu tắm khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh, các điểm vui chơi ở Sunworld, city tour bằng xe bus 2 tầng... Đồng thời, các ngành chức năng tạo mọi điều kiện cho các hãng tàu du lịch quốc tế đưa khách đến Quảng Ninh, tăng cường kiểm tra, đảm bảo công tác an ninh, an toàn, chống đeo bám chèo kéo khách du lịch trên địa bàn TP Hạ Long.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị lữ hành cũng có xu hướng đổi mới, thí điểm phối hợp với địa phương đưa khách tới một số tuyến, điểm du lịch mới, như bản người Dao, Khu Bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y (xã Bằng Cả, TP Hạ Long)... Bình Liêu cũng chuẩn bị các tour tuyến hấp dẫn, các điểm đến có cảnh quan, văn hóa đặc sắc, như: Cao Sơn (xã Hoành Mô), Khe Tiền - Sông Moóc (xã Đồng Văn); khám phá rừng hồi, sở; check-in thác Khe Tiền - Sông Moóc; trải nghiệm văn hóa người Dao bản địa...
Đây là điểm đến mà trước đại dịch COVID-19, Du lịch Tân Hồng đã từng khảo sát đưa khách tới tham quan. Trước đó, Saigontourist và các doanh nghiệp cũng làm việc với TX Quảng Yên kết nối các tour tham quan làng quê, làng nghề truyền thống. TX Đông Triều cũng đẩy nhanh hoàn thành xây dựng tour du lịch miệt vườn, khôi phục tuyến du lịch làng nghề gốm sứ… Đây cũng là các điểm đến tiềm năng cho khách tàu biển.
Theo Sở Du lịch: Trong năm 2024, Quảng Ninh sẽ có khoảng 60 tàu khách du lịch lớn đăng ký cập cảng với khoảng 80.000 khách. Các tàu khách đăng ký cập cảng trong năm 2024 thuộc nhiều thương hiệu lớn và nổi tiếng thế giới như Mein Schiff 6 và 5, Celebrity Solstice, Noordam, MSC Splendida,… Khách quốc tế đi theo hải trình tàu biển sẽ bổ sung và làm phong phú thêm nguồn khách du lịch đến Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung, khi bắt đầu vào mùa thấp điểm của du lịch nội địa.
...đến tăng trưởng cảng biển
Theo tỉnh Quảng Ninh: Năm 2023, tổng sản lượng hàng hóa thông qua các cảng của Quảng Ninh chỉ tăng 4,4% so với năm 2022. Mức độ tăng trưởng chậm được xác định do hoạt động xuất - nhập khẩu một số mặt hàng chủ lực thời gian qua chững lại, tăng trưởng chủ yếu có được tại các mặt hàng năng lượng.
Năm 2023, bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; sự phục hồi của các doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19 đã có nhưng còn chậm. Với những khó khăn như vậy khiến tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển Quảng Ninh chỉ đạt gần 139 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2022. Sự tăng trưởng nhẹ tập trung chủ yếu ở các mặt hàng chiến lược, đảm bảo an ninh năng lượng là than và xăng dầu, nhằm cung cấp cho các hoạt động sản xuất công nghiệp nặng, nhiệt điện và thị trường nhiên liệu miền Bắc...
Theo đánh giá từ Cục Hàng hải Việt Nam, sự tăng trưởng ở con số dương của các cảng biển Quảng Ninh là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế hết sức khó khăn. Điểm sáng tích cực tại các cảng biển Quảng Ninh trong năm 2023 đó là lượt tàu hoạt động trên địa bàn tăng cao, đạt hơn 150.000 lượt, tăng 86,2% so với năm 2022.
Điều này có được là do hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương hàng hóa giữa Việt Nam - Trung Quốc thông qua các cảng thuộc khu vực TP Móng Cái tăng mạnh. Trong đó, chủ yếu đội tàu có công suất nhỏ từ 200DWT trở xuống. Bên cạnh đó, hoạt động vận tải hành khách tàu biển đã quay trở với tần suất đều từ tháng 10/2023 đến nay. Đặc biệt, đã có nhiều tàu khách quốc tế hạng sang, nổi tiếng, như: Celebrity Solstice, Noordam, MSC Splendida, Westerdam... từ các nước châu Âu đưa theo hàng chục nghìn du khách quốc tế đến với Quảng Ninh.
Có thể thấy, bức tranh khó khăn của cảng biển trong năm 2023 là bài toán chung, ở hầu hết các cảng của Việt Nam. Tuy nhiên với vai trò đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, kết thúc năm 2023, các cảng biển Quảng Ninh vẫn duy trì tăng trưởng. Điều này, thể hiện rất rõ sự nỗ lực của tỉnh cũng như các đơn vị liên quan dành ưu tiên cho đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, tối ưu hóa các hoạt động khai thác cảng, chuẩn hóa quy trình khai thác, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ... nhằm tăng năng suất khai thác, cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, đem lại tiện ích, thuận lợi cho khách hàng.
Để đảm bảo tăng trưởng năm 2024 ở mức 10%, đóng góp chung vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024, các đơn vị chủ cảng, quản lý nhà nước đẩy mạnh cải cách, áp dụng hiệu quả công nghệ trong hoạt động khai thác; tập trung mở rộng hạ tầng cảng biển, khu dịch vụ hậu cần sau cảng, tìm tòi, nghiên cứu các giải pháp nâng cao tính cạnh tranh, thu hút đầu mối hàng mới. Tin tưởng với sự chủ động, năm 2024 Quảng Ninh định vị thương hiệu cảng biển để đưa tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của vùng và cả nước.
Có thể bạn quan tâm