Quốc hội dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024 để xem xét một số nội dung quan trọng về luật pháp cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
>>Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 29/11.
Thông tin về nội dung kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc kỳ họp thứ 6 Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thể hiện sự cẩn trọng, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu cuộc sống.
Đồng thời, việc này cũng bảo đảm các dự án luật bền vững, đặc biệt không xung đột, chồng chéo đối với các văn bản luật khác bởi trong quá trình thảo luận tại Quốc hội còn những ý kiến khác nhau, cần có thời gian xem xét kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách.
“Nếu chính sách ban hành nhưng chưa đánh giá tác động kỹ lưỡng, sau này sửa đổi Luật sẽ rất khó khăn”, ông Bùi Văn Cường nói.
Vẫn theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện tại đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp bất thường vào tháng 1/2024 để xem xét một số nội dung quan trọng về lập pháp cũng như phát triển kinh tế - xã hội.
>>Đại biểu Quốc hội kiến nghị về dự thảo Nghị quyết thuế
>>Cử tri và nhân dân có quyền được biết tiến độ thực hiện các lời hứa trước Quốc hội
Trả lời báo chí về những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện tại hai dự án luật trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, tới thời điểm hiện nay ngoài vấn đề đã thống nhất các phương án chỉnh sửa, vẫn còn tồn tại 1 số nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách, thực hiện rà soát toàn thể dự thảo luật, dự thảo văn bản hướng dẫn.
Cụ thể, các nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các phương án tối ưu bao gồm thực hiện nhà ở thương mại, dự án hỗ hợp nhà ở kinh doanh thương mại dịch vụ; mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận quyền sử dụng thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Vấn đề quản lý khai thác quỹ đất, các trường hợp áp dụng phương pháp định giá đất cũng như sử dụng đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế, trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản....
Liên quan luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 3 lần. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau, với 3 vấn đề quan trọng như can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt các tổ chức tín dụng.
Đây là các vấn đề trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và an toàn tài chính quốc gia nói chung và liên quan việc sử dụng các nguồn lực nhà nước.
Trả lời cụ thể hơn về phương pháp định giá đất, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm cho biết, trong 6 vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu, có định giá đất.
“Đây là nội dung rất phức tạp, dự thảo đang đưa ra nhiều phương pháp, mỗi phương pháp chỉ phù hợp trong mỗi trường hợp nhất định, lựa chọn cuối cùng phải trên cơ sở vừa giải quyết được vướng mắc hiện nay nhưng cũng phù hợp thực tiễn lâu dài”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Văn Lâm nói.
Có thể bạn quan tâm
10:23, 29/11/2023
16:04, 20/11/2023
03:00, 19/11/2023
15:31, 09/11/2023
11:04, 06/11/2023