Quốc hội tranh cãi nảy lửa có nên tách Luật Giao thông đường bộ?

ĐỖ HUYỀN 11/11/2020 16:07

Nên hay không nên tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật là vấn đề đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các đai biểu Quốc hội.

Sáng 11/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, liên quan đến việc tách Luật Giao thông đường bộ cũ thành 2 luật mới có nhiều ý kiến nhưng đa số là đồng tình, ủng hộ. Bởi, việc tách luật sẽ đảm bảo giải quyết 2 vấn đề quan trọng và rất bức xúc hiện nay đó là hạ tầng giao thông đường bộ và đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Nói về bất cập, chồng chéo giữa hai lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông, Đại tướng Tô Lâm cho rằng: “Không có nước nào trên thế giới mà cảnh sát giao thông giữ xe để thanh tra giao thông đi kiểm tra.

Trước đây, có những trường hợp lái xe vi phạm đóng cửa bỏ đi, thanh tra giao thông phải nhờ cảnh sát giao thông kéo xe ra chỗ khác, rất là bất cập”.

Theo Bộ trưởng, quy định như dự thảo các luật mới thì nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông vẫn vậy nhưng công việc giảm đi. Bởi, chúng ta sẽ áp dụng khoa học công nghệ để thực hiện những điều này. Ví dụ như trong đường cao tốc, không cần cảnh sát giao thông tuần tra vì nếu xe vi phạm thì sẽ xử lý ở điểm ra.

Cũng phát biểu về nội dung trên, Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương nói vấn đề sát hạch lái xe giao cho lực lượng Công an không phải mới, vì trước đây công an từng đảm trách (từ 1995 trở về trước) và làm chặt chẽ.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng việc tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là "không ổn vì hạ tầng giao thông và đảm bảo an toàn giao thông có mối liên kết với nhau".

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng cho rằng, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ xuất phát từ con người thì "phải tìm giải pháp là con người", không cần thiết tách luật, chuyển đổi cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng băn khoăn, hiện ngành giao thông có khoảng 2.000 nhân sự làm trong lĩnh vực cấp phép lái xe, nếu chuyển nhiệm vụ này sang ngành Công an, lực lượng trên sẽ bị sa thải hay chuyển sang việc khác? "Đó là vấn đề Chính phủ cần đánh giá tác động, có giải pháp và đưa ra câu trả lời", ông Tùng đề nghị.

Về vấn đề quản lý lái xe và cấp bằng lái xe, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh trong Luật đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, đối tượng đầu tiên và quan trọng nhất là những người tham gia giao thông, đặc biệt là đội ngũ lái xe. 90% các lỗi gây mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông là lỗi do lái xe, do con người chứ không phải hạ tầng vì vậy việc quản lý đội ngũ này rất quan trọng.

Bộ trưởng Bộ Công an nêu bất cập từ việc quy định trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông được giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh. Theo lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng công an và CSGT phải chịu trách nhiệm về những vấn đề này. Đây là trách nhiệm lớn và rất nặng nề.

Ông kỳ vọng luật này sớm được thông qua và đưa vào cuộc sống để giảm bớt những vấn đề bức xúc.

Có thể bạn quan tâm

  • Tách Luật Giao thông đường bộ sẽ tạo cơ chế “xin - cho”

    00:30, 18/09/2020

  • Có nên tách "tách" Luật Giao thông đường bộ?

    15:05, 16/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quốc hội tranh cãi nảy lửa có nên tách Luật Giao thông đường bộ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO