Khi chúng tôi làm quy định về quỹ bảo trì, hồi đó Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vẫn còn làm Bộ trưởng Xây dựng nói một câu: “Tiền của ai người đấy giữ”.
Tuy kinh phí bảo trì nhà chung cư (bằng 2% giá trị căn hộ) khá lớn nhưng quy định về quản lý sử dụng quỹ này còn sơ sài dẫn đến rất nhiều tranh chấp, chiếm dụng đã xảy ra.
Ở các nước trên thế giới hầu hết chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện việc thu phí mà chuyển cho một đơn vị thứ 3 thực hiện công việc này. Đơn vị thứ 3 đó có thể là hiệp hội chung cư, hiệp hội nhà ở (Singapore, New Zealand, Hoa Kỳ....), hợp tác xã (Thụy Điển) hay Công ty TNHH chủ sở hữu căn hộ (Nga). Nhờ có sự thống nhất này nên phí bảo trì chung cư và các loại phí dịch vụ khác đều thống nhất.
Nhìn chung sẽ có 3 loại hình quản lý nhà chung cư chính. Một là các chủ sở hữu nhà chung cư trực tiếp quản lý nhà chung cư và các tài sản chung. Hai là công ty quản lý nhà chung cư ký hợp đồng trực tiếp với từng hộ dân cư. Cuối cùng là các chủ sở hữu và các hộ dân thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và công ty này ký hợp đồng thuê Công ty quản lý nhà.
Tại Nhật Bản, nếu sở hữu một căn hộ chung cư tại đất nước này, bạn sẽ phải trả phí toà nhà hàng tháng để trang trải cho việc bảo trì và quản lý toà nhà. Ở những toà chung cư mới, chủ đầu tư sẽ lựa chọn công ty quản lý và đơn vị này sẽ có quyền quyết định số phí ban đầu là bao nhiêu.
Khi một toà chung đã được hoàn thiện, các hộ dân sẽ thành lập một Hiệp hội Chủ sở hữu độc lập với công ty quản lý. Hiệp hội này có quyền thay đổi đơn vị quản lý, cũng như thay đổi phí toà nhà. Phí được tính dựa trên diện tích của căn hộ.
Tuy nhiên, ở các nước họ làm rất minh bạch vì phần lớn tiền đều ở ngân hàng chứ không dùng tiền mặt như Việt Nam. Ngoài ra ở một số nước, việc quản lý quỹ bảo trì sẽ do một cơ quan độc lập uy tín do Nhà nước hay cơ quan thẩm quyền chỉ định. Điều này sẽ đảm bảo việc chi tiêu đúng với nguyên tắc tài chính kế toán.
Có thể bạn quan tâm