Bạn đọc

Vụ “chây ì” bàn giao quỹ bảo trì – Bài 2: Đại diện chủ đầu tư nói gì?

Đình Đại 14/01/2025 11:30

Đại diện CĐT chung cư Prosper Plaza cho rằng, do hai bên chưa chốt được số liệu quỹ bảo trì nên chưa thể bàn giao 2% quỹ bảo trì cho BQT chung cư.

Liên quan đến vụ chủ đầu tư (CĐT) chung cư Prosper Plaza “chây ì” bàn giao 2% quỹ bảo trì cho Ban quản trị (BQT), mà Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ảnh ở kỳ trước. Theo đó, bài viết phản ảnh nội dung đơn thư của BQT chung cư này, khi cho rằng CĐT đã cố tình không chịu bàn giao 2% quỹ bảo trì chung cư, cũng như không chịu bàn giao tầng hầm B1, phần sử hữu chung của cư dân chung cư cho BQT quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Trong bài viết này, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tiếp tục đăng tải ý kiến của đại diện CĐT liên quan đến những nội dung tố cáo của BQT chung cư Prosper Plaza về sự việc này.

chungcu.jpg
Đại diện CĐT chung cư Prosper Plaza cho rằng, do chưa chốt được số liệu quỹ bảo trì chung cư nên chưa thể bàn giao cho BQT?

Chưa chốt được số liệu quỹ bảo trì

Theo đó, chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Duy Quang – Phó Giám đốc phụ trách pháp lý Công ty TNHH MTV Đầu tư Phúc Phúc Yên (Công ty Phúc Phúc Yên), đại diện CĐT cho biết, lý do CĐT chưa thể bàn giao 2% quỹ bảo trì chung cư cho BQT là do hai bên chưa chốt được số liệu đã thu và chi của quỹ bảo trì.

Theo ông Quang, đại diện CĐT cũng đã làm việc với BQT chung cư để chốt số liệu, nhưng BQT đã gây khó khăn khi không chấp nhận làm việc với những nhân viên do đại diện CĐT giới thiệu mà yêu cầu làm việc trực tiếp với người điều hành doanh nghiệp, mặc dù những nhân sự này đều có Giấy giới thiệu của đại diện CĐT.

Nêu lý do, CĐT chỉ giới thiệu nhân sự làm việc chốt số liệu với BQT mà không phải là Ủy quyền làm việc, ông Quang cho rằng, do CĐT chung cư này là Công ty TNHH Một thành viên, nên khi Giám đốc công ty là bà Châu Thị Mỹ Linh bị bắt do liên quan đến một vụ án khác, đã ủy quyền cho chồng là ông Ngụy Phúc Yên, cũng là Phó Giám đốc Công ty Phúc Phúc Yên điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó, người được ủy quyền không thể ủy quyền tiếp cho người thứ ba để làm việc với BQT mà chỉ giới thiệu những nhân sự phụ trách kế toán, pháp lý của CĐT để làm việc và chốt số liệu phí bảo trì (bao gồm chi phí đã sử dụng, cũng như phí đã thu của khách hàng) với BQT chung cư.

“Tuy nhiên, BQT chung cư đã không đồng ý làm việc với những nhân sự được CĐT giới thiệu mà yêu cầu làm việc trực tiếp với ông Ngụy Phúc Yên, người được ủy quyền điều hành doanh nghiệp. Công tác chốt số liệu phí bảo trì rất phức tạp, không thể thực hiện được ngay trong một sớm, một chiều. Hơn nữa, ông Ngụy Phúc Yên mặc dù được ủy quyền điều hành doanh nghiệp nhưng cũng không thể nắm rõ hết các số liệu chi phí bằng kế toán trưởng của công ty”, ông Quang khẳng định.

Người đại diện cho CĐT này cũng cho rằng, không có lãnh đạo doanh nghiệp nào đứng ra làm công việc chốt số liệu cả, mà việc chốt số liệu là thuộc trách nhiệm của kế toán doanh nghiệp. Sau khi hai bên chốt xong số liệu thì lãnh đạo doanh nghiệp sẽ ký biên bản để bàn giao.

Liên quan đến nội dung BQT chung cư cho rằng, CĐT chiếm dụng tầng hầm B1, nơi để xe đạp, xe máy 2 bánh và 3 bánh là phần sở hữu chung của các cư dân chung cư, đại diện CĐT cho rằng, theo hợp đồng khách hàng ký với CĐT có ghi rõ, tầng hầm B1 là tài sản chung, nhưng do không đưa vào giá bán của các căn hộ, nên CĐT được quản lý. Đồng thời, trên bản vẽ thẩm định thiết kế của Bộ Xây dựng cũng có ghi rõ, tầng hầm B1, tầng hầm B2 do CĐT vận hành và quản lý.

Cụ thể, ông Quang cho biết, theo Điều 11.3.4 của Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa CĐT và khách hàng có nội dung: “Nơi gửi xe đạp, xe dùng cho người khuyết tật, xe động cơ hai bánh, xe động cơ ba bánh được bố trí gửi tại tầng hầm (các Bên Mua đồng ý rằng để việc quản lý, vận hành thống nhất, hiệu quả, an toàn thì CĐT sẽ thực hiện việc quản lý và khai thác đối với phần diện tích này theo dự án đã được phê duyệt. Sau khi khấu trừ tất cả các khoản chi phí phục vụ cho việc quản lý, tổ chức khai thác đối với phần diện tích này cũng như chi phí xây dựng tầng hầm (do không được phân bổ vào giá bán căn hộ), khoản lợi nhuận thu được (nếu có) sẽ được chuyển vào quỹ chung của Nhà chung cư)”.

Bộ Xây dựng: Hầm B1 không thuộc nội dung thẩm định

vbbxd.jpg
Văn bản của Bộ Xây dựng khẳng định, đối với việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với chỗ để xe của chung cư không thuộc nội dung thẩm định thiết kế kỹ thuật.

Liên quan đến hạng mục trường mầm non đến nay vẫn chưa được thực hiện, đại diện CĐT cho rằng, đây không phải lỗi do CĐT. Theo ông Quang, toàn bộ dự án này bao gồm hạng mục nhà chung cư và trường mầm non, với tổng diện tích là khoảng 17.000m2, trong đó, phần diện tích xây dựng chung cư là 15.000m2 và phần diện tích để xây dựng trường mầm non là 2.000m2, hai hạng mục này được tách riêng.

Phần diện tích làm chung cư đã được tách riêng và cấp sổ để phục vụ cho việc đầu tư xây dựng chung cư. Trong khi, diện tích để xây dựng trường mầm non vẫn chưa được cấp sổ. CĐT cũng đã nhiều lần liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như Sở Xây dựng TP HCM, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM xin hướng dẫn để làm thủ tục đầu tư xây dựng trường mầm non, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.

“CĐT cũng đã báo cáo lên UBND TP HCM để nhờ UBND Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng hướng dẫn công ty làm thủ tục đầu tư, nhưng các sở, ngành chuyển qua chuyển lại và đến nay vẫn chưa có kết quả. Để có thể làm được trường mầm non, 2.000m2 này phải được cấp sổ riêng là đất giáo dục thì CĐT mới xin được Giấy phép xây dựng để xây dựng trường mầm non”, đại diện CĐT phân trần.

Liên quan đến ý kiến khẳng định của đại diện CĐT về việc, đơn vị của Bộ Xây dựng thẩm định và công nhận tầng hầm B1, B2 là do CĐT quản lý sử dụng, ông Nguyễn Danh Duy – Trưởng BQT chung cư Prosper Plaza cho rằng, Bộ Xây dựng không thẩm định nội dung này mà là do CĐT tự đưa vào bản vẽ thiết kế. Ông cũng cho biết, BQT đã có Đơn phản ánh vấn đề này đến Bộ Xây dựng và cũng đã được Bộ Xây dựng trả lời.

Cụ thể, theo văn bản số 5513/BXD-HĐXD ngày 27/9/2024 của Bộ Xây dựng về việc trả lời đơn phản ánh của BQT chung cư Prosper Plaza, Bộ Xây dựng cho rằng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở dự án Khu nhà ở chung cư cao tầng kết hợp thương mại tại 22/14 Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, Quận 12, TP HCM (chung cư Prosper Plaza – PV) tại Văn bản số 807/HĐXD-QLDA ngày 07/9/2016 và thẩm định thiết kế kỹ thuật tại Văn bản số 1181/HĐXD-QLTK ngày 08/11/2016.

Theo Bộ Xây dựng, nội dung thẩm định được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 và Điều 83 Luật Xây dựng năm 2014 (việc đóng dấu thẩm định vào hồ sơ bản vẽ thiết kế kỹ thuật là để xác nhận các nội dung đã được thẩm định tại Văn bản số 1181/HĐXD-QLTK ngày 08/11/2016).

Bộ Xây dựng khẳng định, đối với việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với chỗ để xe của chung cư không thuộc nội dung thẩm định thiết kế kỹ thuật theo quy định nêu trên.

Luật Nhà ở năm 2014 chỉ rõ, khách hàng mua chung cư phải đóng thêm 2% giá trị hợp đồng vào quỹ bảo trì. Số tiền này sẽ được sử dụng để bảo trì các hạng mục hư hỏng của tòa nhà trong quá trình hoạt động, thông qua việc bàn giao cho Ban quản trị - những người được cư dân tòa nhà bầu ra.

Điều 36, Nghị định 30/2021/NĐ-CP (Ban hành ngày 26/3/2021) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP cũng chỉ rõ, chủ đầu tư không nộp kinh phí bảo trì hoặc không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định thì bị xử phạt vi phạm hành chính, bị cưỡng chế bàn giao theo quy định; ngoài ra, tùy từng trường hợp, chủ đầu tư còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Khoản 4 Điều 37 Nghị định 30 cũng nêu rõ: “Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì cho BQT nhà chung cư, nếu phát hiện CĐT có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, Điều 67 Nghị định 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/1/2022 quy định xử phạt hành chính về xây dựng cũng nêu rõ, chủ đầu tư chung cư không bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 160-200 triệu đồng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì". Trong trường hợp chủ đầu tư bất chấp quy định, không chấp hành các quyết định, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn, có thể cấu thành tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ “chây ì” bàn giao quỹ bảo trì – Bài 2: Đại diện chủ đầu tư nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO